Qua lịch sử xuyên suốt từ khi con người nhân sinh xuất hiện hơn 80.000 năm trước đây, Yuval Noah Harari đã tổng hợp các vấn đề sát sườn mà mỗi người dân, tổ chức, chính phủ khắp nơi trên thế giới đang phải đối mặt hằng ngày.
1. THÁCH THỨC CÔNG NGHỆ
Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã đẩy vọt năng suất lao động của con người và là động lực chính của mọi cấu trúc chính trị, xã hội trên toàn thế giới trong hơn 300 năm trở lại đây. Các cuộc cách mạng đó là cách con người tác động ra bên ngoài, biến đổi thiên nhiên phục vụ cho mình. Nhưng cuộc cách mạng 4.0 lần này rất khác bởi con người đang thay đổi chính mình. Từ bản năng lao động của con người có thể mất đi cho đến cấu trúc sinh học của cơ thể có thể được máy móc thay thế. Cho nên chúng ta sẽ nhìn thấy những thách thức rất to lớn có thể làm biến đổi cấu trúc xã hội, đe dọa tương lai, thậm chí diệt vong nền văn minh nhân loại.
Sự vỡ mộng về chủ nghĩa tự do và mối đe dọa từ công nghệ
Những câu chuyện đã dẫn dắt nhân loại suốt cả thế kỷ 20 giờ đây đã tan vỡ hết cả. Từ chủ nghĩa phát xít hay toàn trị, đến cả câu chuyện cuối cùng là chủ nghĩa dân chủ tự do vốn vẫn được cho là xu thế tất yếu của nhân loại vào đầu thế kỷ 21 này, giờ đã không còn đủ lôi cuốn thêm ai. Người ta đang thực sự hoài nghi về nó, đúng hơn là về khả năng mở rộng và phổ quát của nó ra toàn cầu, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều mô hình chính trị khác đang được phát triển và có những thành công đáng kể ở nhiều nơi. Giờ đây nhiều người ở Kentucky hay Yorkshire có khi còn bất an về cuộc sống, về tự do hơn nhiều người ở Thượng Hải hay Singapore. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do còn đang hoang mang chưa hiểu vì sao những cái tưởng như chắc chắn lại không thành sự thật, thì sự hạn chế tự do, từ cá nhân đến quốc gia, bởi những trật tự mới như tăng thuế hay trật tự cũ được thiết lập lại như Anh rời khỏi châu Âu, lại đang xuất hiện và khiến nhiều người hoài nghi về tương lai của văn minh nhân loại.
Mối đe dọa đó thực ra đến từ công nghệ, từ những đứt gãy công nghệ quá nhanh mà các cơ cấu chính quyền hiện nay trên thế giới, vốn được định hình trong thời đại công nghiệp 1.0-2.0 với các máy hơi nước, nhà máy lọc dầu và màn hình tivi, chưa đáp ứng được. Nhiều chính trị gia còn chưa hiểu được nguyên lý hoạt động của các công nghệ mới nhất thì nói gì đến việc quản lý chúng. Mà nói gì thì nói, công nghệ hay đúng hơn là năng suất của người lao động là cái cốt lõi chi phối xã hội.
Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do còn đang hoang mang chưa hiểu vì sao những cái tưởng như chắc chắn lại không thành sự thật, thì sự hạn chế tự do, từ cá nhân đến quốc gia, bởi những trật tự mới như tăng thuế hay trật tự cũ được thiết lập lại như Anh rời khỏi châu Âu, lại đang xuất hiện và khiến nhiều người hoài nghi về tương lai của văn minh nhân loại.
Nhà sử học Yuval Noah Harari cho rằng, nếu như từ vài trăm năm nay con người thay đổi thế giới bằng công nghệ thì gần đây, con người đang thay đổi chính con người bằng công nghệ, ở hai khía cạnh: thứ nhất là những con người ảo, thông minh như người mà không phải người; thứ hai là cơ thể người sắp tới sẽ không hoàn toàn là con người nguyên thủy mà sẽ gắn theo nhiều thiết bị vô cơ để thực hiện các chức năng sinh học.
Cái thứ nhất đang tạo ra một cảm giác bị bỏ rơi cho một số đông không theo kịp công nghệ. Trước đây người ta bị máy móc bóc lột thì nay bị máy móc bỏ rơi. Cảm giác bị bỏ rơi khó đấu tranh hơn bị bóc lột rất nhiều. Cái thứ hai đang đi sau một chút, và hệ quả của nó cũng sẽ không hề nhỏ. Các máy móc giờ đã đọc được những dòng suy nghĩ từ bộ não thì chẳng bao lâu nữa chúng cũng có thể phát các xung điện kích thích bộ não chúng ta có những cảm giác, suy nghĩ, và mong muốn do máy móc đưa ra. Không ai tưởng tượng được hậu quả sẽ thế nào. Một số nhỏ các kỹ sư có thể điều khiển suy nghĩ của hàng tỷ người? Dù chủ ý hay một sai lầm vô ý cũng sẽ dẫn đến một sự sụp đổ văn minh nhân loại. Đây là một nguy cơ đang thành hiện thực mà ít chính trị gia nào đang suy nghĩ một cách nghiêm túc. Họ, có khi còn chỉ nghĩ đến một cuộc sụp đổ sinh thái (do biến đổi khí hậu chẳng hạn) mà đã đủ đau đầu vì chưa có giải pháp rồi.
Có lẽ chính vì vậy mà cảm giác bất an và mất lòng tin đang tăng lên vì người dân hằng ngày đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bị AI điều khiển và cảm nhận được rõ hơn cả nguy cơ này. Đó là nguy cơ họ sẽ bị đào thải và trở thành người thừa trong xã hội, bị AI điều khiển, chi phối.
Nhìn lại lịch sử thì chủ nghĩa tự do đã nhiều lần gặp khủng hoảng nhưng nó đều vượt lên và chiến thắng. Đó là Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến để kết thúc các cuộc chiến và đối thủ là chủ nghĩa đế quốc; đó là Thế chiến thứ hai với chủ nghĩa chủng tộc phân biệt bị đánh bại; tiếp theo là cuộc Chiến tranh Lạnh với chủ nghĩa tập thể trên hết. Giờ đây chủ nghĩa tự do không còn đối thủ nào nữa thì nó lại rơi vào trạng thái hư vô. Thực ra thì nó không thể tiến thêm trên quy mô toàn cầu nhưng ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại dần tìm được những giá trị tự do đặc thù của mình. Các tài sản văn hóa, tôn giáo và lịch sử vốn bị lu mờ bởi những câu chuyện trong thế kỷ 20 giờ lại tìm được hào quang. Nhưng tương lai rốt cuộc sẽ là gì thì chúng ta cần nhìn lại căn nguyên của những biến đổi trên, công nghệ AI và sinh học, những thứ đang và sẽ chi phối tất cả chúng ta.
Mối đe dọa việc làm
Với mỗi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây khi máy móc thay thế lao động thì con người lại tạo ra những việc làm mới tốt hơn và luôn có đủ việc làm. Nhưng đó là khi máy móc thay thế các công việc trong ngành nông nghiệp, công nghiệp và con người phần lớn chuyển dịch sang các ngành dịch vụ vốn đòi hỏi tri thức và giao tiếp con người. Nhưng lần này máy móc đã có thể lấn sang ngành dịch vụ: chúng thông minh hơn rõ rệt và bắt đầu có khả năng giao tiếp với người: nghe hiểu, nhìn và nhận biết, nói, học, sáng tác,…
Đó mới là các tiến bộ của công nghệ thông tin hay AI, còn với những tiến bộ của công nghệ sinh học thì những dòng suy nghĩ chi tiết trong não bộ vốn là những dòng điện sinh hóa, cũng có thể bị máy bắt chước và điều khiển. Khi kết hợp hai công nghệ này lại thì cái gọi là “trực giác” cũng không còn là lợi thế của riêng con người: tài xế nên lái cách nào, luật sư nên cãi ra sao, việc đàm phán nên theo hướng nào, bác sỹ phẫu thuật nên cắt đường nào,… tất cả đều có thể đo được từ dòng điện não và máy sẽ học theo nó.
Và không chỉ mỗi máy học theo cách của một người, nhiều máy có thể kết nối tốt hơn sự hợp tác của nhiều người. Ví dụ một chiếc xe tự lái vốn sẽ có thể lái tốt hơn một người bình thường, thì hàng vạn xe tự lái trong một thành phố sẽ được kết nối với nhau và phối hợp nhịp nhàng hơn hàng vạn con người bình thường. Và như thế là không chỉ tai nạn giao thông giảm đi do bớt sai lầm của mỗi con người, mà kẹt xe cũng giảm, luồng giao thông cải thiện do tăng sự phối hợp chung. Tương tự như vậy là hàng ngàn bác sỹ AI có thể phối hợp với nhau cho một ca phẫu thuật, hay cùng tìm kiếm một vaccine mới. Điều này thực sự rất có ý nghĩa với người dùng. Bạn sẽ được tiếp cận tri thức của không chỉ một hay một số người mà là hàng triệu, hàng tỷ chuyên gia cùng đang giúp bạn. Trong thuật toán của phác đồ điều trị của bạn là tổng hợp tri thức học từ hàng vạn bác sỹ chuyên khoa trên thế giới về căn bệnh của bạn, điều mà không con người nào cung cấp được. Viễn cảnh đó đã rất gần và điều ngược đời này có thể xảy ra: một bệnh nhân sau khi được thuyết phục sẽ dễ dàng chấp nhận để bác sỹ AI chuẩn đoán và ra quyết định điều trị, nhưng lại nhất định cần một y tá thực hiện việc điều trị như tiêm cho mình. Trong tương lai công việc tri thức lại dễ bị thay thế hơn công việc cần đến chân tay.
Viễn cảnh đó khiến cho công việc chịu rất nhiều sức ép. Có hai lối thoát:
Thứ nhất là tìm hiểu và nghiên cứu những thứ mới, ví dụ các bệnh truyền nhiễm mới, các cách điều trị mới… Cái mới thì chưa có (nhiều) dữ liệu nên AI chưa học giỏi được nhưng cách đi này không có nhiều, khó vì phải liên tục tìm các mới khác thay thế.
Thứ hai là học cách chế tạo và vận hành các hệ thống AI. Cách này khả thi hơn vì các hệ thống AI sẽ rất nhiều, nhu cầu sẽ cao nhưng cũng không có gì đảm bảo. Bởi trong tương lai các hệ thống AI sẽ có thể tự vận hành, tự học với sự can thiệp rất ít của con người. Ví dụ như ngày nay để vận hành một máy bay không người lái cần đến vài chục kỹ sư AI nhưng tương lai các hệ thống sẽ tích hợp hết và chuyển thành Auto-AI.
Nhưng đến đây đã đủ để chúng ta nhìn thấy nguy cơ cho việc làm trong xã hội. Cả hai nhóm người trên, người sáng chế và người vận hành AI, đều đòi hỏi kiến thức cao không thuộc về số đông. Hơn nữa các công việc trên còn cần phải trau dồi và đòi hỏi kiến thức mới trong thời gian rất ngắn. Điều này trái với thực tế công việc hiện tại khi đa số chúng ta học một kỹ năng và làm cả đời. Nếu như trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước thì lực lượng lao động đông luôn là một lợi thế của một quốc gia thì trong tương lai đơn giản là sẽ không cần lao động. Hàng trăm triệu công nhân may mặc sẽ bị thay thế bằng robot in 3D, những chuyên viên ngân hàng, tổng đài viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại, kỹ sư chế tạo và điều khiển,… sẽ sớm bị mất việc. Không có nghề nghiệp trọn đời, cũng không còn ngành nghề nào tồn tại mãi mãi.
Có thể cảm nhận thấy một viễn cảnh số đông lao động không có việc làm đúng nghĩa, hoặc do AI bị trì hoãn, hoặc do trợ cấp của chính phủ, hoặc do sự chia nhỏ công việc ra,… thậm chí là không làm việc mà chỉ tiêu thụ. Con người có thể rơi vào một trạng thái vô dụng, bất mãn và mất kiểm soát. Điều đó có thể tạo thành một nguy cơ to lớn gây xáo trộn các hệ thống chính trị xã hội đương thời.
Bên cạnh nguy cơ mất ổn định xã hội còn có một nguy cơ khác có thể dẫn đến hủy diệt nền văn minh nhân loại, khi mà sự vận động của con người đang bị thu hẹp lại, con người bị lệ thuộc và chi phối bởi máy móc và thuật toán, rốt cuộc mất đi giá trị nhân văn và trở thành những cỗ máy người.
Chúng ta đã có cảm giác mình là một khối dữ liệu bị xô đẩy trong cái biển mây dữ liệu thì một ngày nào đó, người điều khiển cái biển dữ liệu đó có thể là AI, hoặc một mạng lưới AI cũng nên.
Mối đe dọa nhân tính
Hơn 300 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ thần thánh, hoàng gia,… vốn tồn tại hàng ngàn năm sang nền dân chủ, tự do của mỗi con người, công dân thì chỉ trong vài chục năm nữa chúng ta sẽ chứng kiến quyền lực từ con người sang thuật toán.
Thuật toán ở đây không chỉ là các thuật toán máy tính mà chính là những thuật toán chạy trong toàn bộ cơ thể chúng ta. Khi mà các nhà khoa học nhận biết ra được các cảm giác, trực giác mà con người có quy lại chỉ là những thuật toán chạy qua hàng triệu nơ-ron thần kinh thì sự tự do của mỗi con người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Ai đó sẽ nhận biết được mọi cảm giác trong tôi. Nếu tôi sợ hãi, dù có cố không biểu hiện trên khuôn mặt thì điện vẫn chạy trong não qua các dây thần kinh và nơ-ron kích hoạt, thì người ta sẽ đo được ngay thôi. Mọi cảm giác, mọi suy nghĩ hay quan điểm, nhận thức hay giác ngộ bây giờ không chỉ là của mình mà rất dễ bị đánh cắp. Và khi trước đây chúng ta cố bảo hộ quyền tự do dân chủ vì mỗi người là riêng biệt, là thiêng liêng và bất khả xâm phạm thì ngày nay mỗi con người có thể không còn là của riêng mình.
Một mặt thì nó rất tốt. Các cảm biến sẽ đo đến từng hoạt động tế bào và điện trong cơ thể để tìm ra, dự báo bạn “có thể” bị mắc virus cúm hay không? Xin nhắc lại là có thể tức là chúng sẽ dự đoán được trước khi bạn mắc bệnh, điều mà các xét nghiệm hiện nay không làm được. Nhưng mặt khác thì các cảm biến hay cảnh báo luôn luôn hoạt động, kiểu gì thì cũng có vấn đề trong cơ thể và chúng ta sẽ phải luôn chạy theo các thuật toán cảnh báo kia. Các hệ thống dữ liệu và AI bây giờ hiểu rõ bản thân mỗi người hơn ai hết, hơn cả chính họ. Và từ việc hiểu đến điều khiển chỉ còn là một bước nhỏ.
Không chỉ trong lĩnh vực y tế, việc chúng ta đang bị điều khiển đã diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực khác rồi. Mỗi khi xem phim hay Youtube, các thuật toán khuyến nghị dẫn dắt chúng ta đi từ clip này qua clip khác. Mua hàng hay lướt web, gọi điện hay vay tiền, tất cả các dữ liệu đó đều được thu thập và các nhà cung cấp còn có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau để ban đầu đưa ra các dịch vụ tốt hơn, còn chúng ta bị dẫn dắt trong mê cung các sản phẩm và dịch vụ khiến cho năng lực ra quyết định và lựa chọn của mình mất dần.
Hãy để ý đến việc Google maps tiện dụng thế nào nhưng cũng làm cho con người mất đi khả năng định hướng và tìm đường. Bộ máy tìm kiếm của Google rõ ràng hoạt động thay cho não bộ của chúng ta trong rất nhiều trường hợp. Chúng ta dần dần dựa vào máy móc và không tự ra quyết định cho mình nữa, nhưng như thế thì những mối quan hệ, quan niệm của chúng ta về nhân tính và về cuộc đời sẽ thay đổi. Bạn sẽ làm quen cô gái kia không? Có nên ký hợp đồng với đối tác này không? Có nên tuyển ứng viên kia không? Nên cư xử với đứa bạn này thế nào? Có nên làm từ thiện chỗ kia không? Chúng ta sẽ giải thích quyết định của mình với đối tác bằng câu “AI bảo thế” hay sao?
Và trong những cỗ máy AI đó thì vẫn cần một chuyên gia về triết học và đạo đức để thiết lập các tham số. Chuyên gia sẽ thẩm định lại mô hình tuyển dụng để nó không vi phạm phân biệt giới tính hay chủng tộc, sẽ phán xét các cơ chế xử lý tai nạn của chiếc xe tự lái, hay đưa ra lập luận cho một quyết định phẫu thuật với xác suất thất bại nào đó. Có lẽ đây là một nghề sẽ còn phát triển trong thời đại AI này.
Mối đe dọa độc tài
Điều này đang ngày một rõ hơn. Vài trăm kỹ sư của Facebook đang điều khiển hành vi tương tác của vài tỷ người trên Trái đất. Nếu họ thay đổi các chức năng mà chúng ta đăng bài, share hay like, giới thiệu bạn mới, khuyến nghị status mới,… thì cả tỷ người sẽ nháo nhào. Vào cuối thế kỷ trước người ta nhận thấy việc quyết định tập trung là không thể và phải để cho thị trường tự do và phân tán quyết định, thì ngày nay việc quyết định tập trung lại khả thi. Chỉ cần quy tụ dữ liệu về hết một nơi thì máy tính đủ công suất và mô hình thông minh để tính toán ra giải pháp tối ưu. Các mô hình đó phần lớn sẽ dựa trên mạng nơron, hay nói cách khác là họ sẽ tạo ra những bộ não khổng lồ.
Ai sở hữu khối dữ liệu và bộ não đó sẽ có quyền lực tối thượng. Hiện nay là các tập đoàn công nghệ đang chi phối cả thế giới, sau này cũng có thể là các chính phủ. Chắc chắn là một chính phủ như thế có thể kiểm soát mọi công dân của mình còn hơn cả thời Đức Quốc xã. Cùng với việc làm sẽ bị thu hẹp lại và cả một tầng lớp đông đảo trở thành vô dụng như nói ở trên, quyền lực chính trị sẽ có thể bị thu hẹp lại cho một nhóm nhỏ người và quyền lực của mỗi công dân sẽ trở nên mơ hồ.
Cho đến hiện nay thì chúng ta cảm thấy lo sợ vì khả năng của AI có thể bắt chước con người và thay thế con người trong công việc nhiều hơn. Nhưng trong tương lai liệu AI có thể thông minh hơn con người không? Câu trả lời là bất định vì hiện nay chính con người chúng ta cũng chưa hiểu rõ trí thông minh của mình là gì, vì sao mà có. Nếu khả năng sáng tác, khám phá, phát minh cũng chỉ là những dòng điện hóa chạy qua các dây thần kinh và nơron thì sớm hay muộn người ta cũng đọc và mã hóa được chúng, để rồi tạo ra những cỗ máy AI biết phát triển trí thông minh, khi đó năng lực của AI sẽ đáng sợ và không ngờ được. Ngay cả giờ đây chúng ta đã có cảm giác mình là một khối dữ liệu bị xô đẩy trong cái biển mây dữ liệu thì một ngày nào đó, người điều khiển cái biển dữ liệu đó có thể là AI, hoặc một mạng lưới AI cũng nên.
Mối đe dọa bất bình đẳng
Ngay trong góc độ việc làm chúng ta đã thấy có những nhóm người sở hữu dữ liệu, tạo ra AI, điều khiển AI sẽ có lợi ích lớn và phần đông còn lại là người sử dụng AI hay đúng hơn là bị AI điều khiển. Các công ty công nghệ ngày nay chiếm đầu bảng các doanh nghiệp lớn nhất, khác xa so với 50 năm trước đây. Và tương tự là các tỷ phú công nghệ rồi sẽ là những người giàu nhất. Khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên kinh khủng với tốc độ của phát kiến công nghệ.
Sự bất bình đẳng đó còn tăng nhanh hơn nữa khi mà công nghệ sinh học kết hợp thêm vào. Người có điều kiện không chỉ sẽ đẹp hơn, khỏe hơn, sống thọ hơn mà còn thông minh hơn do các máy móc hỗ trợ não bộ được gắn trực tiếp hoặc truyền gián tiếp. Đó là một tương lai nguy hiểm khi mà khác so với trước đây, tầng lớp tinh hoa vẫn cần số đông lao động để thực hiện nhiệm vụ kinh tế và thị trường tiêu thụ, ngày nay họ có thể sẽ chả cần. Họ có thể xây bức tường đóng kín và tận hưởng trong đó, thực phẩm và hàng hóa được máy móc và AI chế tạo tự động, AI sinh học sẽ chăm sóc sức khỏe, giải trí và cả tinh thần cho họ. AI chiến binh sẽ bảo vệ vòng ngoài khỏi những kẻ xâm chiếm hay rủi ro thiên tai,… Sự bất bình đẳng đó tạo ra số đông dư thừa chả biết làm gì. Họ bị đẩy xuống tầng dưới không vì một lý do cụ thể nào cả. Không phải chủng tộc, giới tính, giai cấp, mà mỗi người bị phân biệt vì dữ liệu của anh ta cho kết quả như thế, không giải thích được. Và do vậy người ta cũng không thể liên kết với nhau do có cùng đặc điểm bị đối xử mà đấu tranh cho được. Nền độc tài số nói trên và hệ quả là sự bất bình đẳng số sẽ là những thách thức chính trị lớn nhất hiện nay.□
2. THÁCH THỨC CHÍNH TRỊ
Những vấn đề thời sự chính trị cũ được viết lại trong những phần sau của cuốn sách với cách nhìn rộng xuyên suốt lịch sử loài người trong hàng triệu năm, thậm chí của sinh quyển hàng tỷ năm. Harari đã tiếp tục đưa ra những thảo luận đặc sắc và đáng suy nghĩ trong thời đại mới này.
Cộng đồng lớn nhất thế giới
Con người ngày nay ít tham gia vào các hội nhóm (offline) hơn trước đây mấy chục năm, thật vậy. Thế nên một dự án mà Mark Zuckerberg khởi động vào năm 2017 để khuyến khích người dùng tham gia các nhóm (Group) nhiều hơn đã có kỳ vọng kết nối xã hội. Nhưng đến nay, kết quả của nó có vẻ không rõ ràng. Kết nối nhiều hơn, tham gia nhiều nhóm hơn nhưng tất cả đều trên mạng.
Cái mà con người cần hơn bây giờ là kết nối với những trải nhiệm của chính mình. Thay vì tận hưởng những trải nghiệm của bản thân, ví dụ như khi leo lên một đỉnh núi, thì ta lại dành nhiều thời gian trên đỉnh núi đó để đợi những lượt thích từ bạn bè trên mạng hơn là phải ngắm nhìn xung quanh. Kết nối nhiều trên mạng khiến chúng ta mất đi kết nối với cơ thể, giác quan và môi trường vật lý xung quanh mình, và chắc chắn làm giảm cả những mối quan hệ thân thiết khác.
Văn minh nhân loại đang hội tụ
Trong tự nhiên, tinh tinh vẫn sống theo bầy và khỉ đột thì luôn xây dựng một nhóm đơn lẻ chỉ có một khỉ đực duy nhất với các khỉ cái khác. Điều này đã được ghim vào gene và chúng sẽ không thay đổi trong hàng ngàn hay hàng triệu năm tới. Nhưng con người thì lại thay đổi hệ thống xã hội liên tục. Lấy ví dụ người Đức, chỉ trong chưa đầy 100 năm của thế kỷ 20, họ đã tự tổ chức thành sáu hệ thống xã hội khác nhau: Đế chế Hohenzollern, nền cộng hòa Weimar, Đệ tam Quốc xã, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức và nước Đức thống nhất. Con người có thể dễ dàng thay đổi và thích ứng như vậy đó.
Hay nói đến liên minh châu Âu, khi Hiến pháp chung châu Âu tuyên bố rằng nó lấy cảm hứng và kế thừa các giá trị dân chủ, tự do và pháp quyền từ thời dân chủ Athens 2.500 năm trước. Có thực vậy không? Nền dân chủ Athens chỉ tồn tại như một thí nghiệm miễn cưỡng trong hơn 200 năm ở một góc nhỏ của bán đảo Balkan, còn châu Âu hơn hai mươi lăm thế kỷ qua thì đầy rẫy những chiến tranh và độc tài, như Sparta hay Julius Caesar, những đoàn Thập tự chinh hay chủ nghĩa thực dân, Tòa dị giáo và buôn bán nô lệ, hay các cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất. Thực tế thì văn minh châu Âu sẽ là bất cứ thứ gì mà người châu Âu nghĩ về nó, ở mỗi thời điểm. Nếu như vào năm 1618, người châu Âu bị ám ảnh bởi sự khác biệt giáo lý tí xíu giữa Cơ Đốc và Tin Lành đến nỗi sẵn sàng chém giết và sát hại, thì vào năm 1940 họ lại bất đồng về chủ nghĩa chủng tộc và đấu tranh cho nó. Còn đến những năm 2018 này thì họ không phải bất đồng lớn ở màu da hay giáo lý, mà là vấn đề nhập cư, Liên minh châu Âu và các hạn chế của chủ nghĩa Tư bản.
Thực chất chúng ta đang tiến đến một nền văn minh giống nhau đến không ngờ. Các quốc gia giờ đây đều được tổ chức với chính phủ, quốc hội và tòa án, hầu hết là thành viên của Liên Hợp Quốc, có quốc kỳ và quốc ca mà, nếu dịch lời sẽ khó mà phân biệt bài hát của nước nào với nước nào. Nền văn minh duy nhất này sẽ phải cùng nhau giải quyết những vấn đề chung nhất mang tính toàn cầu.
Chủ nghĩa dân tộc
Đứng trước những vấn đề đó thì chủ nghĩa dân tộc có vai trò gì? Thực chất là rất hạn chế. Nhìn vào gốc tự nhiên, dù con người là một sinh vật xã hội thì gene của nó đã được ấn định qua hàng trăm nghìn năm chỉ để sống trong các cộng đồng nhỏ mật thiết với không quá vài chục người. Các dân tộc thì mới chỉ tồn tại vài ngàn năm gần đây, như mới sáng hôm qua nếu so với chuỗi ngày dài săn bắn hái lượm. Và người ta chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng khoa học nào về dân tộc tính trong gene của ai cả.
Nhưng điều đó không có nghĩa các khái niệm dân tộc hay quốc gia có gì sai cả. Ngược lại nó rất cần thiết để con người hợp tác trên diện rộng để chung sống tốt hơn và tạo ra những thành quả vĩ đại. Vấn đề chỉ là không có dân tộc nào là thượng đẳng hơn dân tộc nào khác. Và ngày nay chúng ta không thể chỉ nghĩ đến dân tộc mình mà mặc kệ những dân tộc khác.
Bởi vì các thách thức mà nhân loại phải đối mặt đã vượt quá tầm của bất kỳ dân tộc nào. Chiến tranh hủy diệt, biến đổi khí hậu hay đứt gãy công nghệ (bài 1) đã và đang đe dọa nhân loại mà chỉ có sự hợp tác của các quốc gia, dân tộc mới có thể vượt qua được. Nếu như hai thử thách đầu tiên đã được nói đến nhiều, nó ảnh hưởng đến thể xác của nhân loại, nhưng chúng chỉ có tầm mức vài thế kỷ còn thử thách đứt gãy công nghệ lại có tác động sâu sắc hơn nhiều. Lần đầu tiên sau bốn tỷ năm sự sống hữu cơ tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên ngày nay con người đang hướng vào một kỷ nguyên của sự sống vô cơ được thiết kế thông minh xác định trước. Nó khiến cho trí tuệ và ý thức bị tách rời, các cảm xúc và cấu kết xã hội bị đứt gãy. Khi đó thì chủ nghĩa dân tộc Israel, Nga hay Pháp cũng chẳng thể đem lại giải pháp nào cả.
Tôn giáo
Vai trò của tôn giáo cũng đã giảm đi nhiều. Nếu như trước dây để làm nông nghiệp hay chữa bệnh việc cầu mong thánh thần là điều không thể thiếu thì ngày nay hầu hết không còn. Vai trò của tôn giáo có lẽ chỉ thu hẹp lại vấn đề tinh thần.
Các tôn giáo nếu có ảnh hưởng lên các vấn đề chính trị hay xã hội thì chỉ là vỏ bọc. Ví dụ như nếu lãnh tụ tối cao Khamenei cần đưa ra một quyết định gì về kinh tế thì các chuyên gia kinh tế sẽ hoạch định giống như các nước khác, để sau đó Khamenei sử dụng các quyền hạn tôn giáo đóng gói các chính sách khoa học dưới lớp vải của các lời huấn thị trong kinh Quran.
Trong thế kỷ 19 và 20, các triết gia Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo và Cơ Đốc giáo đã phê phán nhiều lần chủ nghĩa vật chất hiện đại, chủ nghĩa tư bản vô hồn thì rốt cuộc sau hàng chục năm, các quốc gia của họ vẫn vận hành những nền kinh tế na ná như nhau. Chưa nói đến những thách thức mang tính toàn cầu ở trên.
3. TUYỆT VỌNG & HY VỌNG
Chiến tranh
Nhìn lại về chiến tranh có thể nói rằng chúng ta đang ở trong những thập kỷ hòa bình nhất trong lịch sử. Nếu ở trong các xã hội nông nghiệp thời kỳ đầu bạn sẽ thấy 15% dân số chết do bạo lực. Ngay trong thế kỷ 20 với những cuộc chiến tranh hiện đại, con số này là 5% thì ngày nay bạo lực chỉ chiếm có 1% nguyên nhân tử vong. Những căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới làm ta lo lắng nhưng thực chất khả năng xảy ra chiến tranh hiện nay rất thấp.
Nguyên nhân bởi vì kết quả có được từ chiến tranh ngày nay không còn như xưa, năm 2018 khác hẳn 1914. Cụ thế vào năm 1914, các giới tinh hoa khắp địa cầu bị lôi cuốn vào cuộc thế chiến thứ I vì những lợi ích rõ ràng về kinh tế và quyền lực chính trị. Trước đó, nước Anh chỉ mất có 57 lính trong trận Tel el-Kebir quyết định để xâm chiếm được Ai Cập, từ đó kiểm soát thung lũng sông Nile và kênh đào Suez. Đế chế Anh đã mở rộng thành đế chế lớn nhất lịch sử nhờ những cuộc chiến tranh nhỏ thành công như vậy. Các cường quốc châu Âu như Pháp, Ý hay Bỉ bắt chước người Anh, họ tràn vào Việt Nam, Libya hay Công. Khi đó nỗi sợ của họ không phải sự phản kháng của người bản xứ mà là ai đến trước. Hoa Kỳ thì sao, họ đã quá thành công với cuộc xâm lược Mexico vào năm 1846 để có được California, Nevada, Arizona, New Mexico, Texas rộng lớn và hàng loạt bang khác. Đã có 13.000 lính Mỹ chết để đổi lấy 2,3 triệu kilomet vuông.
Lần đầu tiên sau bốn tỷ năm sự sống hữu cơ tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên ngày nay con người đang hướng vào một kỷ nguyên của sự sống vô cơ được thiết kế thông minh xác định trước.
Nhưng ngày nay cái giá cho những cuộc chiến như vậy là quá lớn. Các nước đều hiểu là lợi ích và thịnh vượng có thể kiếm được từ thương mại và công nghệ hơn vì chiến tranh. Iran trông thế thôi, thực chất là họ không dính vào cuộc chiến nào kể từ sau khi bị Iraq xâm lược năm 1981. Israel cũng vậy, cuộc chiến lớn nhất của họ đã kết thúc từ năm 1967 và họ đạt được thịnh vượng ngày nay dù có nhiều chiến tranh trong khu vực, chứ không phải nhờ chiến tranh. Có thể nói là việc Israel không bị hút vào cuộc nội chiến Syria là thành tựu vĩ đại nhất của Thủ tướng Bẹnamin Netanyahu. Bởi nếu muốn, lực lượng tự vệ Israel có thể chiếm Damacus chỉ trong một tuần, hay chinh phục dải Gaza và xóa sổ chính quyền Hamas còn dễ dàng hơn. Nhưng họ đã tránh làm việc đó bởi hiểu rõ nó chẳng mang lại lợi lộc gì, dù bề ngoài các chính trị gia luôn có những lời lẽ hiếu chiến.
Thế nhưng cũng không nên đánh giá thấp nguy cơ chiến tranh cũng như đánh giá thấp sự ngu ngốc của loài người. Vào những năm 1930, các tướng lĩnh, đô đốc, nhà kinh tế và nhà báo Nhật đồng ý với nhau cần kiểm soát được Triều Tiên, Mãn Châu và vùng bờ biển Trung Hoa nếu không Nhật Bản sẽ phải chịu cảnh trì trệ kinh tế. Thực tế thì tất cả bọn họ đã sai, nước Nhật chỉ có được sự thần kỳ kinh tế sau khi thua trận và từ bỏ tất cả những vùng lãnh thổ trên. Saddam Hussein cũng đã tính toán thế nào để lao vào xâm lược Iran một cách điên cuồng năm 1981? Sự ngu ngốc đó của các chính trị gia vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Khiêm nhường
Phần lớn các dân tộc lớn đều coi mình là cái nôi của văn minh nhân loại. Người Hy Lạp cho rằng lịch sử chỉ bắt đầu với Homer, Sophocles, Plato ở quanh kinh thành Athens, Sparta, Alexandria. Những người theo dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa thì cho nhà Hạ, nhà Thương mới là khởi thủy của lịch sử và những thành quả gì của người phương Tây, người Hồi hay người Ấn chỉ là những bản sao của những phát kiến bắt nguồn từ Trung Hoa. Người Hồi giáo thì cho rằng những gì diễn ra trước nhà tiên tri Muhammed là không đáng kể và từ khi kinh Quran được mặc khải, quốc gia họ sẽ là những nơi tốt đẹp nhất và họ cần phải lan tỏa hào quang đó. Cũng vậy người Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga cũng đã coi mình là văn minh phát triển và đi khai hóa những vùng đất mông muội khác.
Thực sự thì không phải như vậy, không có quốc gia, dân tộc nào tồn tại khi con người ngừng cuộc sống di cư và sống cố định một nơi. Nếu có cái gọi là nguồn gốc nhân loại thì đó chỉ có thể là những hang đá ở châu Phi thời đồ đá. Kể từ đó đạo đức, nghệ thuật, tinh thần và sáng tạo đã là những khả năng phổ quát và ăn sâu vào ADN của mọi con người. Ngay cả những tôn giáo với rao giảng đạo đức cũng thường quá đề cao mình. Người Israel thường dùng cụm từ “ba tôn giáo vĩ đại” để chỉ Cơ Đốc giáo (2,3 tỷ tín đồ), Hồi giáo (1,8 tỷ tín đồ) và Do Thái giáo (15 triệu tín đồ), thực chất là còn ám chỉ đến khởi nguồn duy nhất là Do Thái giáo, là tôn giáo đầu tiên rao giảng các quy tắc đạo đức phổ quát. Như thể loài người trước Abraham và Moses là mông muội và đạo đức chỉ có sau Mười Điều Răn. Điều này là vô căn cứ và xấc xược vì từ thời kỳ Đồ Đá các bộ tộc cũng đã có các quy tắc đạo đức của mình. Hơn thế nữa, các minh chứng khoa học đã chỉ ra rằng nhân tố đạo đức có gốc rễ sâu xa cả trước khi loài người ra đời. Tất cả các loài thú có tính xã hội như chó sói, cá heo và khỉ đã có các quy tắc đạo đức thích nghi với tiến hóa để tăng cường hợp tác nhóm. Ví dụ như chó sói có quy tắc là nếu con nào cắn đối thủ khi đã nằm ngửa ra và đầu hàng thì cả bầy sẽ không chơi với nó nữa. Ở bầy tinh tinh, con đực đầu đàn sẽ không lấy ăn một quả chuối của những con yếu hơn.
Sự khiêm nhường của mỗi con người, dân tộc, quốc gia hay tôn giáo hiện giờ có lẽ là điều cần thiết hơn cả.
Chúa
Và trong các sự khiêm nhường, con người thường tỏ ra cung kính trước Chúa nhưng cũng rất hay nhân danh Chúa để chèn ép người khác. Sở dĩ như vậy bởi vì có hai cách định nghĩa về Chúa. Cách thứ nhất là khi chúng ta nghĩ đến những bí ẩn vũ trụ lớn nhất mà con người không giải thích được và đưa vị Chúa bí ẩn này ra là người tạo tác và thấu hiểu tất cả những bí ẩn đó. Ví dụ như vì sao định luật hấp dẫn lại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai vật thể? Vì Chúa định ra thế. Còn nếu Ngài không muốn mà chuyển sang, ví dụ tỷ lệ nghịch với lập phương khoảng cách chẳng hạn, thì vũ trụ này sẽ biến đổi ngay lập tức.
Những căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới làm ta lo lắng nhưng thực chất khả năng xảy ra chiến tranh hiện nay rất thấp.
Nhưng người ta lại có một Chúa khác, người đề ra các luật lệ nghiêm khắc và thế tục. Các luật lệ này được ẩn trong những bộ sách sang trọng, giải thích chi tiết nhất những gì Ngài muốn và không thích, ví dụ như về phụ nữ được mặc áo cộc tay hay quan hệ tình dục đồng giới, uống rượu vang mỗi tối thứ Sáu hay tham gia cuộc Thập tự chinh. Và người ta thường nói về Chúa bắt đầu với vị Chúa thứ nhất, về những bí ẩn mà con người không (chưa) giải thích được như vì sao có Vụ Nổ Lớn, để ai cũng phải kính phục và nghe theo, rồi ngay sau đó đánh tráo lá bài với vị Chúa thứ hai và viện dẫn ra hàng loạt các điều luật ghi trong sách thánh.
Không phải là những điều ghi trong sách thánh là sai, mà nó thực sự chẳng khác với các luật lệ của nhà nước và tổ chức thế tục là bao. Ví dụ một trong những điều răn là không ăn trộm thì luật pháp nhà nước cũng có mà. Thế nên không cần và không nên nhân danh Chúa ở đây. Kể cả những điều luật về đạo đức mà luật pháp không quy định, ví như phải giúp đỡ người hoạn nạn, thì các vị thần và đấng tối cao cũng chỉ là một trong những độc lực tạo cảm hứng, và không bắt buộc. Như đã nói trong chương trước, đạo đức ở một số dạng là tự nhiên và đến cả một số loài thú có tính xã hội cũng đều có các quy tắc đạo đức riêng.
Thế nhưng đôi khi con người có thể tránh được những hành vi sai trái với người khác thì lại không thể ngừng làm đau hay tổn thương bản thân mình. Có lẽ khi đó Chúa là người cần có nhất vì Người có thể mang lại sự bình an trong tâm trí bạn.
Đôi khi con người có thể tránh được những hành vi sai trái với người khác thì lại không thể ngừng làm đau hay tổn thương bản thân mình. Có lẽ khi đó Chúa là người cần có nhất vì Người có thể mang lại sự bình an trong tâm trí bạn.
Chủ nghĩa thế tục
Ở một đầu kia có những người tin vào Chủ nghĩa thế tục, tức là không tồn tại và không cần thiết phải có các thế lực siêu nhiên. Thay vào đó, trí tuệ và đạo đức là những thành quả và di sản tự nhiên của xã hội loài người. Những người thế tục tin vào khoa học, những bằng chứng và thống kê, họ tôn trọng tự do và hạn chế trao quyền lực tối thượng cho bất cứ văn bản, thể chế hay lãnh đạo nào. Những người thế tục ngưỡng mộ Galileo Galilei, người dám đặt câu hỏi nghi ngờ Trái đất nằm bất động ở tâm vũ trụ; họ ngưỡng mộ đám đông thường dân đã tràn vào ngục Bastille năm 1789 và lật đổ thể chế bạo ngược của Louis XVI; họ ngưỡng mộ Rosa Parks, người đã can đảm ngồi xuống một chiếc ghế xe buýt chỉ dành riêng cho người da trắng.
Trên thực tế lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng xã hội với những con người dũng cảm, thừa nhận ngu dốt và đặt các câu hỏi khó đã thịnh vượng và hòa bình hơn so với những xã hội ở đó con người phải tuân thủ những câu trả lời duy nhất không được bàn cãi. Những người thế tục cũng tôn trọng trách nhiệm, không ỷ lại hay chờ đợi những nhiệm vụ cho thế lực tối cao nào. Trên thực tế thì những người thế tục lại là những người đặt mục tiêu trách nhiệm và đạo đức quá cao và hầu hết mọi người đơn giản là không thể (lúc nào) cũng đáp ứng được. Và đôi khi vì quá tin vào những quan sát khách quan mà họ lại trở nên cứng rắn thành một giáo điều. Ví dụ như những nhà tư bản luôn nói “thị trường tự do và phát triển kinh tế là kim chỉ nam duy nhất” bất chấp thực tế hiện nay. Các cuộc khủng hoảng hay hệ quả của sự phát triển vẫn được coi là những “cơn sốt vỡ da” và mọi thứ sẽ tốt hơn khi tăng trưởng hơn chút nữa.
Họ cũng ủng hộ đến cuồng tín những giá trị tự do và nhân quyền, quyết mang chúng đến những nơi tối tăm như Iraq, Afghanistan hay Công và tin rằng các cuộc tổng tuyển cử sẽ biến những nơi này thành những xã hội như Đan Mạch. Quyền con người được mặc nhiên công nhận ngay từ khi con người sinh ra, nhưng nếu bạn định nghĩa mình là “cá nhân sở hữu các quyền tự nhiên không thể xâm phạm”, bạn không biết mình thật sự là ai và không hiểu các lực lượng lịch sử đã định hình xã hội này. Những quyền đó sẽ còn bối rối hơn nữa khi trí tuệ nhân tạo, sự sống nhân tạo cũng tham gia đòi hỏi các quyền của mình. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và khiêm nhường hơn về khả năng của con người. □
4. SỰ THẬT
Chúng ta có thể gọi “Homo sapiens” là một loài Hậu-sự thật vì sức mạnh và bản chất của nó là việc tạo ra và tin vào các câu chuyện hư cấu. Giữa thế giới Hậu sự thật này, chúng ta còn băn khoăn hàng loạt câu hỏi: thế giới thực chúng ta đã tạo ra như thế nào? những câu chuyện cũ và mới trong đó? Cái gì sẽ xuất hiện? Chức năng cần thiết trong cuộc đời là gì? Chính trị và tôn giáo, hay Chúa là ai? Và cuối cùng là cái gì là ý nghĩa của cuộc đời này?
Dốt nát
Trong suốt vài thế kỷ qua, tư tưởng tự do được xây dựng trên nền tảng những cá nhân lý trí. Các nền dân chủ hay thị trường tự do đều cho rằng chỉ cần để số đông quyết định theo kiểu bình quân đầu phiếu là sẽ có lựa chọn tốt nhất. Nhưng thực tế ngày nay đã cho thấy các giả định về cá nhân lý trí, đúng hơn là cá nhân quyết định theo lý trí lại không thuyết phục. Thứ nhất, các nhà kinh tế học hành vi và tâm lý học tiến hóa đã chỉ ra hầu hết các quyết định của con người chứa nhiều cảm tính hơn suy luận lý trí. Thứ hai là con người còn quyết định theo cộng đồng tính: chúng ta bị ảnh hưởng bởi quyết định của những người xung quanh mình. Sự suy nghĩ và chia sẻ nhóm chính là cái giúp con người làm chủ thế giới này, nhưng cũng chính nó khép kín mỗi người vào trong cái phòng phản âm chứa đầy những người suy nghĩ giống mình, và mình cũng giống họ. Nơi đó tin tức tự xác thực và niềm tin tự củng cố.
Và khi bước ra ngoài, những con người đó nói về đủ mọi thứ như thể họ là chuyên gia, từ khí tượng học cho đến chính sách biến đổi khí hậu, từ những việc cần làm ở Iraq hay Ukraine trong khi chưa chắc đã biết các quốc gia này ở đâu trên bản đồ. Kể cả khi các chuyên gia thực sự đưa thêm các bằng chứng và dữ kiện chính xác cũng không cải thiện là bao. Công chúng sẽ lại bị chi phối bởi cảm tính và quan điểm của những người xung quanh mình. Chúng ta đang có quá nhiều thông tin nhưng thực sự lại biết quá ít và cuộc sống hiện đại càng khuếch đại thêm sự “dốt nát” đó của con người. Ngay cả các tổng thống và giám đốc điều hành, những người được hỗ trợ bởi hàng loạt các chuyên gia nhiều khi cũng không hiểu sâu các chủ đề quan trọng. Đơn giản là họ có quá ít thời gian, hơn nữa là ở địa vị quyền lực họ còn phải có thêm sự lựa chọn tin tưởng. Đối với họ, cả nghe và nói đều phải có sự thận trọng nhất định.
Trong cuốn sách này, Yuval Noah Harari kể về câu chuyện diễn ra vài năm trước, ông được mời dùng bữa tối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Bạn bè ông đã khuyến cáo đừng có đi, nhưng bị cám dỗ bởi suy nghĩ sẽ nghe được một vài điều to tát nào đó, ông đã tới để rồi cuối cùng thất vọng tràn trề. Khoảng ba chục người khi đó đều cố tỏ ra ấn tượng với “người vĩ đại”, thế nên cũng chẳng có ai chia sẻ được với ai điều gì thực sự có ý nghĩa cả. Đây không phải là lỗi của ông Thủ tướng mà là lỗi của lực hấp dẫn quyền lực. Nhiều khi bạn phải thoát ra ngoài lỗ đen quyền lực đó để tìm kiếm những tri thức đột phá. Vấn đề sẽ càng tệ hơn trong những thập kỷ tiếp theo vì công nghệ phát triển, các dòng kinh tế và động lực chính trị sẽ càng trở nên phức tạp. Và cuối cùng thì con người, như Socrates đã chỉ ra từ hơn 2000 năm trước, tốt nhất là nên thừa nhận sự “ngu dốt” của chính mình.
Công lý
Công lý hay đạo đức đã được tiến hóa cùng với con người trong cuộc sống của các nhóm săn bắt hái lượm nhỏ. Ví dụ như nếu tôi cùng anh đi săn mà tôi săn được một con hươu to còn anh không có gì, liệu tôi có nên chia chiến lợi phẩm cho anh? (đạo đức). Còn nếu như một mình anh đi hái nấm và trở về với một giỏ đầy, liệu tôi khỏe hơn anh nên tôi có thể giật tất cả giỏ nấm đó? (công lý). Phóng đại ra, chúng ta nghĩ rằng có thể áp dụng những nguyên tắc công lý và đạo đức đó cho các vấn đề toàn cầu, thực ra không phải.
Kích thước sẽ ảnh hưởng đến bản chất của vấn đề. Và các hệ thống toàn cầu có sự phức hợp mà các nhóm nhỏ người không có. Các tác động và ảnh hưởng của con người lên hệ thống không dễ dàng nhìn ra quan hệ nhân-quả như những giỏ nấm. Yuval Noah Harari nêu ví dụ, ông sống ở nhà (tác giả sống ở Israel) không va chạm với ai; nhưng theo các nhà hoạt động cánh tả thì ông cũng nhúng tay vào những sai trái mà binh lính và di dân Israel gây ra ở Bờ Tây sông Jordan; rất có thể góp phần tạo ra các nhà xưởng bóc lột trẻ em ở Bangladesh khi mua quần áo. Các nhà hoạt động vì động vật thì đang nói ông tạo ra tội ác dã man nhất trong lịch sử bởi việc nhốt và giết hại hàng tỷ con vật nuôi. Phức tạp hơn nữa, liệu chính quyền đo ông bỏ phiếu bầu có bí mật bán vũ khí cho một nhà độc tài nào không? Liệu tập đoàn mà ông mua cổ phiếu có xả thải ra môi trường đồng thời thuê một đoàn luật sư vận động hành lang để thoát khỏi mọi quy định và không phải đền bù? Các mối quan hệ kinh tế, chính trị ngày nay phức tạp như vậy đó. Nhân-quả không rõ ràng như thời tiền sử nên khó có thể khẳng định tôi hay tập đoàn kia có ăn cắp hay bóc lột hay không?
Người ta có thể viện dẫn đến ý thức, có nghĩa là tôi không có ý thức ăn cắp hay bóc lột thì dù hành động có gây ra hậu quả cũng không vi phạm gì cả. Không đơn giản thế, nhiều tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại lại đến từ sự ngu dốt và bàng quan nhiều hơn. Cuối những năm 1930, một giám đốc bưu điện mẫn cán ở Đức luôn lo lắng cho phúc lợi của nhân viên, chăm chỉ tìm kiếm từng bưu phẩm thất lạc, đi sớm về khuya, lại là một nhân tố quan trọng trong hệ thống Quốc xã đã gây ra biết bao tội ác cho nhân loại. Vì ông ta đã giúp đẩy nhanh những tuyên truyền phân biệt chủng tộc, lệnh tuyển quân của Wehrmacht hay các quân lệnh nghiêm ngặt của SS. Thế giới ngày nay đã quá phức tạp đối với những bộ óc săn bắt-hái lượm của chúng ta.
Khi không có thể hiểu được những mối quan hệ của hàng triệu người Syria hay 500 triệu người châu Âu, người ta bắt đầu sử dụng một vài phương pháp như sau: Thứ nhất là thu nhỏ vấn đề, coi cuộc nội chiến Syria diễn ra như những nhóm nhỏ với nhau; Cách thứ hai là tập trung vào những câu chuyển cảm động về con người như tượng trưng cho toàn bộ mâu thuẫn, ví dụ như số phận của một đứa trẻ Syria nhập cư. Cách thứ ba là thêu dệt nên những thuyết âm mưu, ví dụ như tưởng tượng một nhóm 20 đại tỷ phú đang giật dây toàn bộ nền kinh tế, truyền thông và điều khiển các cuộc chiến tranh trên toàn cầu; Và cuối cùng là chối bỏ sự phức tạp bằng cách thu mình lại không tìm hiểu nữa, đặt niềm tin vào một lý thuyết, tổ chức hay lãnh đạo nào đó và đi theo. Nhưng tất cả những giải pháp đó cũng đều chỉ nửa vời, không thể tìm ra được sự thật và công lý đâu cả. Kể những tập thể lớn như người Mỹ, người Trung Quốc, người Hồi hay người Hindu cũng chưa thể dẫn dắt nhân loại đi tìm công lý được.
Hậu sự thật
Có một khái niệm mà con người chúng ta đã tạo ra gọi là hậu sự thật. Ví dụ như cuối tháng 2/2014, khi các đặc nhiệm Nga chiếm đóng một số vùng quan trọng ở Crimea, người ta mô tả họ là các “nhóm tự vệ” tự phát có thể đã kiếm được quân phục trông như của Nga từ các cửa hàng địa phương. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga có thể biện minh rằng dù nhóm này là ai thì họ cũng phục vụ cho một sự thật cao cả là bảo vệ Tổ quốc Nga thiêng liêng. Theo các truyền thuyết thì dân tộc Nga là một thực thể thiêng liêng đã tồn tại hàng ngàn năm, bất kể bao kẻ thù đã xâm lược và chia năm xẻ bảy đất nước. Trong những lần đó, chúng đã biến các vùng đất Nga thành những quốc gia “giả” ví dụ như Ukraina. Thế nên việc tái hợp Crimea, thậm chí là cả Ukraina vào Nga là một nhiệm vụ thiêng liêng. Thế nhưng những người Ukraina khác lại cho đó là một “hư cấu khủng khiếp như bom nguyên tử”. Việc tuyên bố Ukraina không tồn tại như một dân tộc và đất nước độc lập là ngụy biện vô căn cứ.
Việc tạo ra hay phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của cả một quốc gia chẳng có gì hiếm cả. Năm 1931 quân đội Nhật tạo ra một nước “giả” là Mãn Châu quốc để hợp thức hóa hành vi xâm lược của mình. Người Anh định cư ở Úc thì lại gọi đây là “terra nullius”, tiếng Latin là vùng đất không người, tức là phủ nhận hoàn toàn 50.000 năm lịch sử người bản địa Úc. Rồi đến người Do Thái tự nhận là “một dân tộc không đất đai” trở về một vùng đất không dân tộc, phớt lờ hoàn toàn sự tồn tại của cộng đồng người Ả Rập Palestine đang sống ở đó. Sẽ chẳng thiếu những ví dụ về việc các quốc gia nói có “chủ quyền không thể chối cãi” về cùng một vùng lãnh thổ.
Thế nên có thể gọi “Homo sapiens” là một loài Hậu-sự thật vì sức mạnh và bản chất của nó là việc tạo ra và tin vào các câu chuyện hư cấu. Từ thời Đồ Đá tới thời hiện đại, “Homo sapiens” làm chủ Trái đất, chinh phục các hành tinh cũng là nhờ khả năng độc đáo là sáng tạo và lan truyền những câu chuyện hư cấu. Việc đó một mặt giúp con người quy tụ và có thể hợp tác với vô số người xa lạ vì cùng tin vào một câu chuyện. Chẳng phải đợi đến Facebook hay Trump mới có những dòng tweet tuyên truyền, hàng ngàn năm trước những câu chuyện hay mẩu tin như việc Eve bị con rắn cám dỗ, linh hồn của kẻ ngoại đạo bị thiêu dưới địa ngục, hay đấng Tối cao không thích việc một người Bà-la-môn cưới một kẻ tiện dân Dalit,… đã khiến hàng trăm triệu người tin vào.
Người ta dễ tin dựa trên cảm tính là chính còn sự kiện chỉ là phụ. Ví như câu chuyện cậu bé người Anh chín tuổi Hugh được tìm thấy tử vong dưới giếng ở thị trấn Lincoln ngày 29/8/1255. Chẳng cần Facebook hay Twitter, tin đồn là cậu bé bị người Do Thái địa phương sát hại trong một lễ hiến tế lan như chớp. 19 người Do Thái bị người Cơ đốc xử tử ngay sau đó. Hàng loạt các cuộc tàn sát tiếp diễn và cuối cùng đến năm 1290, toàn bộ dân số Do Thái ở Anh bị trục xuất. Và cuối cùng thì sao? Đến năm 1955 tức mười năm sau cuộc diệt chủng Holocaust thì Nhà thờ lớn Lincoln mới bác bỏ câu chuyện vu vạ hiến tế, và đặt một tấm biển gần mộ Hugh để minh oan cho cộng đồng người Do Thái. Vậy đó, những tin đồn, tin giả có khi tồn tại đến 700 năm.
Những câu chuyện hư cấu đó sẽ xuất hiện và tồn tại mãi theo lịch sử loài người. Khi một ngàn người tin vào một câu chuyện thì đấy gọi là hư cấu, nhưng khi một trăm triệu người tin vào một câu chuyện thì đấy gọi là tôn giáo. Dù tôn giáo có nhiều điều tốt đẹp nhưng nếu không có hư cấu người ta không thể nào kết nối mọi người trên quy mô lớn được đâu.
5. BỀN BỈ
Giáo dục
Chúng ta sẽ phải giáo dục thế hệ sau như thế nào đây? Đây là thời điểm khó trả lời câu hỏi này nhất trong lịch sử. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ và sinh học khiến việc dự báo trở nên quá khó khăn. Ngay bây giờ, để hình dung điều gì sẽ xảy ra trên Trái đất này vào năm 2050 đã là không tưởng. Khi đó mọi thứ đều có thể đảo lộn từ cá nhân, các mối quan hệ cho đến doanh nghiệp, chính quyền và xã hội.
Những gì chúng ta làm trong một hai thập kỷ tới sẽ định hình tương lai của xã hội. Trước đây chúng ta dạy quá nhiều về các kỹ năng tìm hiểu và khai phá tự nhiên thì những việc đó sẽ rất khó cạnh tranh với AI sau này. Nhiều nhà giáo dục cho rằng cần trang bị nhiều hơn 4 chữ C đó là “critical thinking”, “communication”, “collaboration” và “creativity”. Đó là khả năng phản biện những gì tiếp nhận được, khả năng giao tiếp và hợp tác giữa con người với nhau, và khả năng tự học, tự tìm tòi để thích nghi với sự phát triển quá nhanh của máy móc. Sau này con người sẽ phải sẵn sàng cho nhiều thay đổi đột ngột hơn nữa, cần chuẩn bị đủ năng lượng, cả thể chất và tinh thần, cho đầy đủ trong những tình huống đó. Nhưng đáng tiếc là những kỹ năng đó lại chưa có nhiều trong chương trình giáo dục của con trẻ hiện nay.
Và ý nghĩa cuộc sống là gì?
Để làm được như vậy chúng ta cũng cần hiểu chính mình hơn, tự đặt câu hỏi “tôi là ai” và “tôi muốn gì từ cuộc đời này”. Chúng ta không thể để máy móc hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Điều này lại dẫn con người chúng ta trở lại những câu chuyện lớn nhất là của cả vũ trụ và vai trò của mình trong đó. Câu chuyện đó sẽ giải thích tất cả và mỗi người chúng ta sẽ là một mắt xích trong đó, có chức năng và vai trò xác định.
Với người Hindu đó là “dharma” hay con đường mà mỗi người phải đi và hoàn thành. Khi hoàng tử chiến binh Arjuna ngần ngại chùn tay giữa trận chiến, thần Krishna giải thích với anh rằng trong vòng xoáy vũ trụ, “dharma” của anh là con đường của một chiến binh. Nếu cố đi theo con đường khác anh sẽ phá vỡ cân bằng vũ trụ và không bao giờ tìm được bình an. Thế là Arjuna tiếp tục chiến đấu và đưa quân đội mình đến thắng lợi.
Trong bộ phim sử thi Vua Sư tử của Disney, vua sử tử Mufasa đã kể cho cậu bé Simba về Vòng Đời vĩ đại và sứ mệnh của cậu. Nhưng Simba lại chỉ muốn là một con sư tử bình thường giữa muôn loài, từ chối ngai vàng và bỏ đi. Thế thì Vòng đời lại mang đến Scar độc ác, giành lấy ngôi vương và dẫn dắt vương quốc sư tử vào những sai lầm và bạo lực. Và rồi Simba đã nhận ra sứ mệnh hoàng gia của mình trong một ảo ảnh của cha Mufasa và Vòng Đời, để rồi trở về vương quốc đánh bại Scar và lên ngôi. Simba đã không thể thoát khỏi “dharma” của mình.
Dù con đường đó là gì thì ta vẫn buộc phải đi theo. Một người thợ sửa xe nhận ra con đường của mình và đi theo nó cũng là tốt. Mỗi hành động nhỏ của mỗi người trong cuộc sống cũng thấm đẫm ý nghĩa của vũ trụ. Và các tôn giáo hay chủ nghĩa dân tộc cũng đã thêu dệt nên những câu chuyện vòng đời, sứ mệnh cho mỗi thành viên của mình. Và trong đó Hinđu giáo và Phật giáo đã dẫn dắt con người hướng đến mục đích thoát khỏi Vòng đời kia, hay còn gọi là Luân hồi. Và khi bạn đã tin vào một câu chuyện nhất định, nó sẽ làm bạn cực kỳ hứng thú với cả những tiểu tiết nhỏ nhất của nó, khiến cho bạn không nhìn ra gì khác nữa.
Nhưng gượm đã, nếu tin vào Vòng đời thì có nghĩa là mọi thứ sẽ vĩnh hằng? Là một người Israel. Yuval Noah Harari sẽ cống hiến cho đất nước, tưởng nhớ các người lính ngã xuống ở Bờ Tây vì một quốc gia vĩnh hằng? Nhưng không, ông cho rằng chẳng có gì là vĩnh hằng cả. Giờ ai cũng biết vũ trụ này đã tồn tại vài tỷ năm và sẽ sống thêm vài tỷ năm nữa thôi rồi sẽ hết. Thậm chí là 200 triệu năm nữa thôi có khi cũng chẳng còn loài có vú nào tồn tại nữa cả, đừng nói đến quốc gia Israel hay Palestine.
Thế nhưng tại sao người ta lại tin vào những câu chuyện hư cấu đến như vậy? Một lý do là niềm tin của một con người rất dễ được hình thành từ thời thơ ấu. Họ nghe được câu chuyện từ cha mẹ, thầy cô, láng giềng và nền văn hóa xung quanh từ rất lâu trước khi họ hình thành nên tri thức độc lập. Thế nên khi đã có khả năng đặt câu hỏi và xác minh thì những câu chuyện kia đã gắn kết sâu nặng quá rồi, đến mức mà họ sẽ dùng chính những tri thức mới để hợp lý hóa câu chuyện đó hơn là nghi ngờ nó. Hầu hết những người đi tìm bản dạng cho mình rốt cuộc sẽ tìm thấy chính hình ảnh của cha mẹ mình.
Cái phông văn hóa đó phủ khắp lên đời sống của cá nhân và cả quốc gia. Ngay cả khi những nền móng của nó không thực sự bền vững. Thử nghĩ xem, có bằng chứng nào cho thấy con trai của Đấng sáng tạo ra toàn bộ sự sống đã được sinh ra ở đâu đó trong dải Ngân hà khoảng 2.000 năm trước không? Thế nhưng nhiều tỷ người Cơ đốc tin vào điều đó. Thậm chí trong cùng đạo Cơ đốc, người ta đã bất hòa cả ngàn năm nay khi người Công giáo phía Tây (giáo hội Roma) đặt từ “filioque” (nghĩa là “và từ đứa con trai”) vào công bố tín ngưỡng Cơ Đốc trong khi người Chính thống phía Đông (giáo hội Athens và Moscow) lại phản đối kịch liệt. Thậm chí dẫn đến chiến tranh đẫm máu giữa người Croatia (Công giáo) và Serbia (Chính thống giáo).
Thiền
Cho dù khi người ta nhận thấy các câu chuyện đó là hư cấu, họ cũng không có cách nào tìm ra sự thật. Khoa học mang đến những công cụ mạnh để phá hủy những hư cấu mà con người tạo ra nhưng cũng không chỉ ra đâu là sự thật của khởi nguồn và kết thúc. Chỉ cho đến khi tiếp xúc với thiền dòng Vipassana tác giả mới bắt đầu có manh mối.
Theo quan điểm của ông, khi chú tâm vào hơi thở chúng ta đã có thể tìm hiểu tâm trí của mình. Nhưng tâm trí như một con ngựa bất kham không chịu ngồi yên, nó luôn vùng lên để đi hết chỗ này đến chỗ khác. Thiền là một cách tu tập để giữ tâm trí lại, bằng cách hướng nó vào nhịp thở vào, thở ra càng lâu càng tốt. Và hơi thở chính là sự sống, hiểu sự sống thì ta mới có hy vọng hiểu cái sau nó là cái chết. Cách gắn tâm trí với hơi thở là bước đầu để điều khiển nó. Về sau, các khóa học dạy chúng ta dõi theo cả những cảm giác trên khắp cơ thể: nóng lạnh, đau đớn, xúc giác,… Và rồi chúng ta nhận ra rằng những phản ứng của mình với điều bên ngoài thực chất là phản ứng với cảm giác trong chính cơ thể mình. Khi hiểu được điều này thì những câu chuyện, lý thuyết hay huyền thoại áp đặt lên chúng ta cũng chẳng có ý nghĩa mấy.
Thiền không xuất phát và cũng không gắn chặt với một tôn giáo nào, ai cũng có thể luyện tập. Thiền giúp chúng ta theo dõi các cảm giác của cơ thể và phản ứng của tâm trí với những cảm giác đó một cách có phương pháp, liên tục và khách quan, từ đó khơi mở các quy luật cơ bản của tâm trí. Và câu trả lời cho đến nay vẫn còn là mở: chúng ta thực sự mới chỉ hiểu sơ bộ lớp trên của tâm trí mà thôi, còn rất nhiều điều để khám phá xem tâm trí là gì, tâm trí và trí tuệ tương tác như thế nào trong não bộ.
Quá trình tìm kiếm đó còn lâu dài và gian nan, nó vất vả như những công việc nghiêm túc khác như nhân loại học, động vật học hay phi hành gia. Nhưng ít nhất nếu muốn hiểu xem ta thực sự là ai, ta cần làm việc đó ngay bây giờ.
- Nguyễn Quang lược trích trên tạp chí Tia Sáng từ cuốn sách của Nhà sử học Yuval Noah Harari do dịch giả Dương Ngọc Trà dịch -
Comments