Tôi đi nhiều đến nỗi không rõ tự bao giờ, đời tôi cũng quen với việc chứng kiến cảnh tượng lũ lụt lại về hằng năm. Nhưng năm qua, miền Trung chìm trong đau thương, có nhiều lúc tôi đã không kìm nén được cơn xúc động, và chỉ mong muốn làm được nhiều hơn thế nữa. Bởi những căn nhà chống lũ mà Quỹ Sống đưa về đều giúp gia chủ an toàn và vượt qua khó khăn, thậm chí còn cưu mang người khác.
Khát vọng trong mùa nước dữ
Những ngày cuối tháng 11, trong chuyến khảo sát thực tế bốn tỉnh miền Trung sau cơn bão số 9 vừa qua, chúng tôi về thăm lại thôn Tân Thượng và Tân Đông của xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình - nơi chương trình Nhà Chống Lũ (Quỹ Sống) đã làm 22 căn nhà trong năm 2018 và 2019. Bà con ai cũng hào hứng kể lại ngôi nhà an toàn của mình đã phát huy tác dụng ra sao. Các chị nói: “Giờ không sợ lũ nữa rồi!”. Chúng tôi nói chuyện với nhau như người thân trong gia đình. Tôi được mấy chị trong thôn dạy thái chuối. Một cộng sự của tôi còn theo chân chị Ngô Thị Cảnh trèo lên mái nhà của gia đình chị để mô tả cho tôi biết trong những ngày lũ về, gia đình chị đã tự tin thế nào khi ở trên cao nhìn xuống dòng nước.
Nhưng đâu chỉ mỗi chuyện bà con có một ngôi nhà an toàn thật sự của mình trong mùa nước dữ? Họ còn chia sẻ sự an toàn đó với những người xung quanh.
Nhà ông Đặng Văn Quý (thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ở đầu nguồn hai con sông Vu Gia và sông Vàng. Ngày trước, mỗi năm lũ về, nhà cửa, đồ đạc của bà con bị cuốn đi, mất mát rất nhiều. Năm 2017, gia đình ông Quý quyết tâm xây nhà chống lũ. Hôm trở lại thăm, vợ chồng ông chạy ra ôm chầm lấy chúng tôi. Vợ ông ríu rít chỉ vào từng phòng, kể những ngày nước lũ lên mạnh quá, ông bà quyết định kêu người làng qua tá túc: “Vầy mà chứa được 12 người già, trẻ, lớn, bé đó”. Chỉ tay vào một góc nhà, bà nói, ở cái chỗ kia kìa, bà đã pha mì gói cho đám nhỏ hàng xóm ăn, và bà đã cảm thấy hạnh phúc rộn ràng ra sao. Còn ông Quý, cái sợi dây tình làng nghĩa xóm - tưởng chừng đã nhạt phai theo tốc độ đô thị hóa - thì ngay trong cơn hoạn nạn, bỗng dưng kết lại. “Bữa đó, chúng tôi ngồi bên nhau chuyện trò ấm cúng. Họ cảm ơn vợ chồng chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng phải cảm ơn họ. Họ đã mang hơi ấm đến đây - trong những ngày rét lạnh ấy”- ông nói.
Chuyện ở hai thôn Tân Thượng và Tân Đông hay gia đình ông Đặng Văn Quý chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi nhận được sau một hành trình dài bảy năm đồng hành cùng sự sống. Tới thời điểm hiện tại, có 799 căn nhà chống lũ được xây dựng ở nhiều nơi; để rồi, từ những góc nhà an toàn đó, có những cuộc đời được bắt đầu, được tìm lại, được sum vầy.
Trước đó, vì thiếu nhiều nguồn lực để tự phục hồi, người nghèo trở thành nhóm người dễ tổn thương nhất khi đối mặt thiên tai. Nhưng giờ đây, không ít người trong số họ có động lực cố gắng vươn lên, chắt bóp, dành dụm, vay mượn để tự xây ngôi nhà của chính mình. Sự hỗ trợ đến từ quỹ Sống hay cộng đồng, chỉ như một cánh tay nối dài hơn ước mơ của họ, để họ không có cảm giác đơn độc trong tiến trình chạm vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính tư thế chủ động đó đã khiến tôi nhận ra cái khát vọng sống vững vàng trong cơn nguy biến, nơi những con người lam lũ ấy. Họ đang nỗ lực mỗi ngày để tự thay đổi cuộc đời mình. Và họ hoàn toàn làm được nếu cả xã hội cùng chung tay và hiểu cách giúp đỡ bền vững.
Năm 2020 đi qua với nhiều biến cố. Trong bức tranh xã hội có phần tối màu vì dịch bệnh, bão lũ và sạt lở, những câu chuyện tôi đã gặp khắp một dải miền Trung sau cơn bão số 9 vừa qua, chính sự đổi thay đến từ những người nghèo, chất phác nhưng ham sống ấy lại là điểm sáng hiếm có. Họ đang “gieo” lại đời mình.
Làng – người đang vụn vỡ
Năm 2016, khi đang bắt đầu triển khai dự án tại một ngôi làng tái định cư của người Khmer ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, tôi không hiểu vì sao, ở đây, có những hộ không quá nghèo, họ có nhà an toàn, nhưng vẫn bỏ xứ mà đi. Ở đó, những “xác” nhà nằm trơ trọi trên một khu đồng không mông quạnh khô khốc vì hạn hán, xung quanh chỉ có cỏ cao ngút đầu người. Còn những người ở lại cứ thế lầm lũi tồn tại, hầu hết đều làm nghề “thợ đụng”, nghĩa là ai thuê gì làm đó. Họ không gắn kết với nhau, thậm chí quên đi cả tiếng dân tộc mình, và chẳng có mong ước gì cho tương lai. Khi đó, tôi nhận ra, đối với một cộng đồng nghèo, đặc biệt là những làng tái định cư của người thiểu số, một ngôi nhà an toàn thôi chưa đủ, chính vì vậy, tôi đã âm thầm viết dự án Làng Hạnh Phúc - một phiên bản cao hơn của Nhà Chống Lũ, và túc tắc thí điểm ở chính cụm người Khmer đó. Cuối năm 2019, dự án mới chính thức được triển khai ở làng Lâng Loan, xã Trà Giác, huyện Nam Trà My, và thôn 3 xã Trà Cang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ban đầu, nhiều người bạn tôi, khi nghe ý tưởng này đều cho là bất khả. Điên rồ, mơ mộng và mông lung quá. Thế nào là làng hạnh phúc, khi thời đại ngày nay, rất khó để kết nối mọi người, khi họ còn quá nghèo, miếng ăn còn không đủ? Thế nào là hạnh phúc, xây dựng ra sao, bao lâu thì xong một dự án?... Rất khó để định lượng thông qua một con số cụ thể nào.
Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó một cuốn sách tên là Làng quê đang biến mất. Điều này đúng. Sức mạnh làng xã, sức mạnh cộng đồng đang dần vụn vỡ. Những cộng đồng dần ít kết nối với nhau, không còn sức mạnh để cùng nhau thích ứng với thiên nhiên, hoặc chống lại những khó khăn, gian khổ. Họ cũng không gắn kết với thiên nhiên nên không hiểu được mối quan hệ nhân – quả hàm chứa trong đó. Ví dụ, trước đây, người ta coi rừng là tổ tiên, đem lại sự sống cho mình. Còn bây giờ, rừng là gỗ. Hay như khi đi khảo sát thực tế hai điểm ở Nam Trà My, tôi bàng hoàng phát hiện, ở đó, người ta không còn nhà cúng. Họ quên khái niệm đó mười mấy năm rồi. Hay như chúng ta, rất nhiều người sinh ra ở thành phố, nhưng quên mất cái gốc gác nông thôn trong phả hệ bao đời của mình. Cho tới khi môi trường ô nhiễm, bụi mịn, rồi vi-rút…, thì mới giật mình “tỉnh” ra.
Năm 2020 có lẽ là năm đặc biệt nhất trong thế kỷ này, mang đến rất nhiều điều kinh hoàng, nhưng cũng để lại những bài học quý giá cho con người. Hai bài học lớn nhất đều liên quan đến thiên nhiên và phát triển: COVID-19 và bão lũ, sạt lở. Nó là lời cảnh báo sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Mọi thứ đang trở nên bất bình thường, đang trở nên… báo động. Tôi nghĩ, năm 2020 là năm của sống, của đối diện với những mất mát, cũng là năm để con người “phản tỉnh”, nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại mối quan hệ con người với con người, con người với sinh quyển xung quanh. Trong đó, có cả những câu chuyện về lòng tin, mối liên hệ cố kết, chia sẻ trong cộng đồng…
Những ngôi làng hạnh phúc
Ở Lâng Loan, huyện Nam Trà My, sau hơn một năm sống cùng bà con để dựng nhà chống lũ, cán bộ dự án rủ rỉ khuyến khích bà con đàn hát lại những làn điệu của người Xê- Đăng, thì giờ đây, trong đêm tối, bên những đống lửa bập bùng, đã có những điệu hát, tiếng đàn theo lối cổ truyền vang lên. Cũng trong những cuộc giao lưu đó, mới biết, ngày xưa, cách đây hơn chục năm, bà con Xê Đăng có nhà cúng (tiếng Xê Đăng gọi là “quất”) - nơi những người trai bản trước khi lấy vợ kéo đến ngủ để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, tập tục, truyền cho nhau những kiến thức văn hoá truyền thống từ đời này qua đời khác. Vậy mà bao lâu nay, bà con cũng không còn nhớ đến nữa. Thanh niên trong làng tóc xanh, tóc vàng, hát loa kẹo kéo, quên dần đi các tập tục của mình... Dự án quyết tâm giúp bà con thiết kế lại nhà cúng truyền thống, rồi khuyến khích cả làng cùng nhau đi phát quang một khu đất lớn, vào rừng cõng vật liệu gỗ, lồ ô, nứa, lá tranh... về dựng lại một ngôi nhà cúng. Những đứt gãy về văn hoá truyền thống được nối liền lại bởi sự nỗ lực của chính bà con, chính quyền với sáng kiến và sự thúc đẩy của Nhà Chống Lũ. Ngắm nhìn nhà cúng mới khánh thành sau cơn bão số 5 vào tháng 9 năm 2020, tôi và cả các đồng đội của mình, ai cũng hạnh phúc. Và tôi biết, lúc trông thấy những hình ảnh đầu tiên của ngôi nhà thiêng của dân tộc mình – đã từng hiện diện, đã từng mất đi, nay đã trở lại, có những già Xê Đăng cũng len lén lau nước mắt.
Trong đợt khảo sát tháng 11/2020, khi thấy những mô hình nhà theo kiến trúc truyền thống mà các kiến trúc sư của Nhà Chống Lũ đã nghiên cứu phát triển sau gần bảy tháng trời với bốn đến năm lần lên khảo sát, bà con Bru-Vân Kiều ở thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị đã reo lên vui sướng. Họ tíu tít: “Đây mới là nhà kiểu truyền thống này!”, “Đúng rồi, nhà truyền thống đây rồi, đẹp quá!”, “Làm được nhà truyền thống như thế này thì thích lắm”. Bởi hơn chục năm rồi, hiện đại hoá nông thôn với khẩu hiệu “ba cứng” đã làm phôi phai, rồi làm biến mất những nét kiến trúc truyền thống. Cuối cùng, chính bà con cũng đã dần quên lãng đi những nét nhà của mình. Họ cứ tôn xi măng để làm nhà cho “cứng”, cho nhanh, cho “hiện đại”.
Khi tôi hỏi, các hộ có muốn làm nhà đẹp và an toàn như thế này không? Bà con ai cũng muốn, chỉ lo không có đủ tiền đối ứng. Nhưng khi biết Quỹ Sống sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, có cán bộ thiết kế, tư vấn, giám sát cùng bà con, không chỉ đối ứng tiền mà có thể đối ứng nguyên vật liệu như gỗ, tre, lồ ô, lá cọ, lá mây..., bà con có thể đổi công cùng làm cho lần lượt từng hộ để tiết kiệm nhân công. Thế là tất cả số hộ có mặt đều đăng ký. Cuối năm 2020, dự án đang bắt đầu triển khai làm ngôi Làng Hạnh Phúc mới ở đây, cũng bắt đầu từ những ngôi nhà an toàn, nhưng theo kiến trúc truyền thống, lồng ghép những vật liệu và công nghệ mới, thân thiện, gần gũi với môi trường.
Đông - Xuân này, mình là nông dân xịn của Hội An!
799 căn nhà chống lũ cho cộng đồng đã xong. Tôi quyết định kỷ niệm hành trình bảy năm Nhà Chống Lũ bằng ngôi nhà thứ 800 của chính gia đình mình.
Gia đình tôi vừa chuyển từ TP.HCM ra Hội An sống. Nơi đây có tất cả mọi thứ đẹp đẽ trên đời: nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa khác nhau, truyền thống và đương đại pha trộn hài hòa, nơi có nhiều dòng sông và cánh đồng, lại còn có biển. Người Hội An sống hài hòa, chừng mực, vừa đủ và nho nhỏ, biết chắt lọc, tích lũy những giá trị tốt đẹp cho mình, đồng thời vẫn giữ nền tảng văn hóa và sự gắn kết của mình với thiên nhiên.
Ngoài xây nhà chống lũ, tôi còn thuê một mảnh ruộng để trồng lúa và trồng rau. Tôi mới đi chợ sắm mấy dụng cụ làm ruộng, thêm ít cuốc xẻng và bao tay làm vườn cho con trai để bắt đầu công cuộc làm cỏ đầu bờ, trồng thêm ít hoa cho ruộng... đẹp cái đã. Rồi sau đó, mới ủi đất, vun luống trồng rau và rồi bừa đất để cấy mạ.
Hồi ở TP.HCM, ngoài ban công, tôi cũng hay trồng rau sạch cho gia đình ăn. Nhưng Đông Xuân này, cảm giác trở thành nông dân “xịn” của Hội An, tự tay lội chân xuống ruộng gieo mạ, tự tay trồng cây trên thửa ruộng đầu tiên của mình mà lòng nôn nao. Tôi sẽ bắt đầu thử trồng lúa sạch, một giống lúa thơm để cung cấp lương thực cho gia đình ăn. Tôi nhắn bạn, chắc sớm thôi, “Jang Lũ” sẽ thành “Jang Lam Lũ”.
Hội An những ngày này đẹp lắm. Vào ngày mưa ẩm ướt đi lang thang, một bên đường cây xanh mướt, một bên đang mùa trụi lá. Hai khung cảnh đầy tương phản nhưng lại quyến rũ; vì sau một mùa mưa bão kéo dài, cũng là lúc, trên những cành cây trơ trụi khẳng khiu ấy, những mầm non mới sắp nhú, rồi sẽ trổ xanh trong một mùa xuân mới về trên vùng đất này.
BOX 1:
Tính đến hết năm 2020, Nhà Chống Lũ đã hỗ trợ thành công 799 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng, và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà an toàn; và phát triển được 10 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ sông, và một số loại lũ đặc biệt. Chương trình đang phấn đấu, đến 2023, sẽ làm xong đầy đủ các mô hình nhà chúng lũ an toàn cho tất cả vùng miền bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Sau đó, chuyển giao cho các nhóm tình nguyện, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để học hỏi và tự làm.
Hiện, chương trình đã đăng tải công khai cuốn cẩm nang chín mô hình nhà chống lũ an toàn trên mạng. Người dân có thể vào tra cứu vùng miền của mình, để tham khảo mô hình nào phù hợp với hộ gia đình mình, xây như thế nào, dự toán kinh phí bao nhiêu, kỹ thuật ra sao… rồi tự xây một ngôi nhà an toàn cho mình.
Từ nay tới năm 2023, quỹ hoàn thiện mô hình làng hạnh phúc, để sau năm 2023, chỉ tập trung xây dựng mô hình cộng đồng hạnh phúc.
(JANG KỀU)
BOX 2:
“Hai bài học lớn nhất trong năm đều liên quan đến thiên nhiên và phát triển: COVID-19 và bão lũ, sạt lở. Nó là lời cảnh báo sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Mọi thứ, đang trở nên… bất bình thường, đang trở nên… báo động. Tôi nghĩ, năm 2020 là năm của sống, của đối diện, cũng là năm để con người “phản tỉnh”, nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại mối quan hệ con người với con người, con người với sinh quyển xung quanh. Trong đó, có cả những câu chuyện về lòng tin, mối liên hệ cố kết, chia sẻ trong cộng đồng”.
JANG KỀU – Sáng lập và Chủ tịch Quỹ Sống
Đăng trên Giai phẩm Xuân 2021 Phụ Nữ Tp HCM phát hành ngày 20/1
Comments