top of page

Bàn về quy hoạch, tầm nhìn và đạo đức

Lại nói về quy hoạch, về những dự án đồ sộ ở Hồ Tây, ở Cần Giờ, ở Đăk Đoa… và việc thiếu nghiêm trọng trường học và bệnh viện. Có người anh tri thức lớn, lúc nào cũng ủng hộ các đại dự án của các đại tập đoàn ở Việt Nam và thất vọng ra mặt vì những người (trong đó có tôi) tham gia các kiến nghị về các dự án này. Anh coi những người như chúng tôi là mù quáng, lúc nào cũng “giương ngọn cờ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản” ra, chặn đứng “sự phát triển của đất nước”. Rồi khi có tình hình thiếu trường học, các bé, thậm chí cả mầm non, không được đi học, các bậc cha mẹ phải “chạy chọt” xin học, chuyển trường về đúng tuyến, gần nhà cho con, người ta đổ cho thiếu giáo viên. Khi nói giáo viên thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ngành sư phạm cao nhất lên tới 19%, người ta đổ cho đào tạo không có kế hoạch. Rút cục, trường học thiếu, giáo viên thừa. Bệnh viện, bác sỹ thiếu trong khi quá tải bệnh nhân mà ngành y vẫn là một trong số 10 ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất...


Tất cả cũng chỉ vì bài toán quy hoạch mà thôi! Mà quy hoạch là gì: quy hoạch là công cụ của chiến lược phát triển. Mà chiến lược phát triển được xây dựng dựa vào đâu: vào tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương, đến cả các lãnh đạo các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn - các ”think tank” giúp tư vấn cho các nhà lãnh đạo chính quyền ra quyết định về “số phận” của một vùng, một huyện, một tỉnh, hay cả đất nước. Không phải cứ dự án to là yêu nước vì tạo ra nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy hạ tầng, nâng cao dân trí, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương… Cũng không phải đất công nào, biển, hồ nào, công trình nào cũng không được động tới vì lí do môi trường và di sản.


Và nếu các chuyên gia hay các nhà tri thức bảo vệ các “đại dự án yêu nước” kia chịu đọc kĩ, thì các Kiến nghị mà tôi và một số bạn bè của mình tham gia kí không phải là phản đối các dự án. Chúng tôi chỉ đề nghị chính quyền xem xét kĩ các yếu tố có liên quan đến môi trường (đã có đánh giá tác động môi trường chưa, và có rồi thì báo cáo đó có được làm thật không hay “bịa” ra cho có…), văn hoá, lịch sử, giao thông, và các tác động kinh tế xã hội khác. Như vậy, việc lập các dự án mới thật sự chặt chẽ, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương, cho chính các doanh nghiệp, cho đất nước. Và các kiến nghị là gửi tới chính quyền và các cơ quan chức năng chứ không phải doanh nghiệp, không tấn công vào doanh nghiệp như tôi đã nói.


Khi xem xét một vấn đề, khi phản biện, ta tập trung vào vấn đề chứ không phải con người (là Vin, Sun hay FLC hay vv và vv). Nếu các vị lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng, các ông bà chủ các tập đoàn có tầm nhìn hoặc bình tĩnh nhìn nhận một cách tích cực, họ có thể mời đối thoại công khai với các nhóm phản biện xã hội. Tự nhiên, họ được tư vấn không công, và nếu lắng nghe đúng, đủ, với điều kiện không đi cho người tấn công, doạ nạt, hoặc đuổi cả những chuyên gia ra khỏi các cuộc hội thảo (được dựng lên để lái dư luận bằng việc chỉ mời các chuyên gia đã được “mua”, các nhà báo đã được định hướng), thì chính các tập đoàn, các nhà lãnh đạo địa phương, bộ ngành đó sẽ có những đóng góp quý giá, sẽ được nghe những lời nói thật. Bằng không, họ chỉ có đám “nịnh thần” bạ đâu gật đó vì lợi ích trước mắt. Người kí, ủng hộ có thể được tặng vài căn hộ, vài chiếc villa của khu đô thị đó. Các tập đoàn thì được ăn xổi. Còn kinh tế, xã hội, môi trường cả vùng đó sẽ bị ảnh hưởng dài lâu, thậm chí họ bị mất đi các giá trị văn hoá, lịch sử, là những di sản vô giá, là cái để định danh, để làm nên tên tuổi vùng miền của họ - những giá trị muôn đời. Ấy là nói trong trường hợp các tập đoàn ăn may thôi. Có khi họ vừa xây xong vài năm thì cả vùng đất đó lún, hoặc sạt lở, hoặc các hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên ở khu vực đó thay đổi dẫn tới việc đầu tư thua lỗ không như những bài toán tham lam, duy ý chí ban đầu mà họ đặt ra. Chưa kể đến việc các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư bây giờ họ cũng có tầm nhìn xa và nhận thức về các vấn đề môi trường, di sản rất tốt. Họ sẽ từ chối hoặc rút các khoản vay ưu đãi cho các tập đoàn “yêu nước” kia khi thấy các tập đoàn đó đã có dính dáng đến các vụ việc liên quan đến môi trường, di sản, gây tác động xấu đến xã hội.


Quay lại câu chuyện quy hoạch, không phải làm lãnh đạo là phải giỏi hết mọi lĩnh vực. Nhưng nếu là người có tâm, có tầm nhìn, lãnh đạo ấy sẽ tập hợp được các chuyên gia thực sự có tâm, có tầm, tư vấn cho mình, và luôn luôn chấp nhận sự phản biện từ các nhóm nghiên cứu độc lập. Bởi bản chất, bất kì nghiên cứu nào, phản biện chuyên môn có giá trị nào cũng đều phải được bắt nguồn từ việc lắng nghe người dân, vì lợi ích của người dân, bảo vệ những giá trị văn hoá, lịch sử, cân bằng được những giá trị của thiên nhiên, sinh thái một cách tốt nhất. Đừng “chế” ra những bản lấy ý kiến người dân, đừng “nặn” ra các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho có để làm mọi thứ theo ý mình được nhanh nhất, chỉ nhằm kiếm được nhiều tiền nhất từ xã hội.


Một dự án Đak Đoa “được” phê duyệt sai trái đã giết chết cả rừng thông cổ thụ, giờ cả khu vực vài trăm hecta bị treo quy hoạch. Rừng thì mất, kéo theo mất nguồn nước, đời sống bà con thêm khốn đốn, phập phồng, bất ổn, một số quan chức đi tù, và cả nhà đầu tư cũng đi tù. Đó là hậu quả của tầm nhìn, quy hoạch và đạo đức. Hồ Tây hay Cần Giờ hay bất kì siêu dự án nào cũng cần nhìn vào đó. Có tầm nhìn, có phản biện xã hội, sẽ có phát triển bền vững. Không tầm nhìn, tiêu diệt phản biện xã hội, sẽ luôn có chuyện “con gà - quả trứng” trong bất kì vấn đề nào. Bệnh viện thiếu. Trường học thiếu. Đường xá giao thông không được tập trung phát triển đồng bộ. Chỉ nhăm nhăm vào phân lô, bán nền, bạ đâu cũng xây, biển, hồ đâu cũng lấn. Đất nước sẽ vẫn bị xếp loại kém phát triển dù một số ít ngồi trên đống vàng, được vào top giàu nhất thế giới. Mong rằng các lãnh đạo, các địa phương ngày càng quan tâm đúng mức vào việc quy hoạch để thực sự tạo được những đổi thay tích cực cho địa phương, cho đất nước của mình. Để sau này, khi họ có không còn, người dân vẫn biết ơn và sử sách mãi vinh danh họ.



Ảnh: Một chuyến đi khảo sát một khu rừng wetland ở Miền Tây

Related Posts

See All

Comments


bottom of page