top of page

Bỏ phố về quê

Là người bỏ phố về quê, và rồi lại đành bỏ quê ra phố do vấn đề sức khoẻ của con. Tôi vẫn luôn ngong ngóng được trở lại quê, được quay lại những công việc đồng áng, vườn tược khiến tôi thực sự được kết nối với chính mình, với những người Hội An thuần hậu, với thiên nhiên đa dạng, đậm đà bản sắc nơi đây. Để được thực sự hoà mình vào, và trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng. Nhiều người cứ nghĩ tôi quê gốc ở Hội An hay miền Trung nên mới yêu và gắn bó với mảnh đất này như thế. Thật ra không phải, tôi quê ở Hà Nội, tôi thấy mình vẫn thấm đẫm tâm hồn Hà Nội. Nhưng Hội An trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Tôi bỏ phố về “quê” Hội An là để tìm được chính mình, để mình được kết nối một cách trọn vẹn nhất.


Đọc những gì Hoàng viết, thấy rất chia sẻ. Hoàng đã nói rất trúng những suy nghĩ của mình, về sự ‘bỏ phố về quê’, một cách thẳng thắn và … ít phức tạp nhất so với Hoàng của những trăn trở, day dứt.

———

Bỏ phố về quê


1.

Không biết có ai như tôi không, mỗi lần nhìn thấy trên mạng cái diễn văn “bỏ phố về quê” là tôi lại thấy bực bội.


Nó xuất hiện ở rất nhiều dạng: các lời răn bảo dưới các bài về giá nhà thành phố; những thở than khi bàn chuyện mức sống; những kêu gọi của đám môi giới bất động sản; những chuyện trà dư tửu hậu của đám thị dân vừa trúng quả hay đang mơ mộng về ngày trúng quả.


“Sống ở thành phố ngột ngạt quá. Về quê (với từng này tiền) sướng hơn”.


Tôi bực bội, vì trong cái mệnh đề tư duy này, “quê” có vẻ như được tôn vinh, nhưng thực chất bị mô tả một khách thể dễ dãi, bị động và nằm ườn ra đó chờ người ta đến đoái hoài. “Phố”, ngược lại, mặc dù có vẻ bị chê trách, thực chất là chính đề, không sống được ở đó mới phải “về quê”.


“Quê” – hay các vùng nông thôn và các đô thị nhỏ Việt Nam ở trong mệnh đề này – là những không gian văn hóa đầy tính nguyên bản, có kết cấu kinh tế và xã hội đặc thù, chứa đầy các di sản vật thể và phi vật thể của cộng đồng. Nó không nên được mô tả là thứ thích thì xông vào, với động cơ duy nhất, nhược tiểu, là anh chỉ có từng này tiền, anh thấy mệt với phố.


Nó giống với cảm giác, các bạn hãy nghĩ về một thằng ở cơ quan không thấy được cái nết mẹ gì, nhưng mở mồm ra là nói:


“Yêu gái trẻ bây giờ nó đòi hỏi nhiều quá. Chắc em tìm đứa single mom nào thôi”.


Đm vâng hẳn là chọn, đm hẳn là đến lượt ông luôn đấy. Nghĩ về câu này, bạn sẽ hiểu cảm giác khó chịu của tôi khi người ta diễn ngôn về “quê” như thế.


Anh về quê? Anh sẽ đóng góp cho không gian văn hóa cái nông thôn, thị trấn hoặc thị tứ nhỏ đó kiểu gì? Anh có hiểu biết về kinh tế nông nghiệp không? Anh có hiểu biết về văn hóa địa phương không? Anh có phương án gì để trở thành một phần của cộng đồng đó, thay vì phá vỡ nó – với số tiền cỏn con anh đang cầm không? Tôi cảm thấy rất đáng ngờ những chuyện này.


Tôi nghe người ta trầm ngâm nói về “homestay”, “làm du lịch” – nhưng không gian văn hóa nguyên bản đó được tạo ra bởi các tác giả của nó, những người bản địa một nắng hai sương trồng cái đồi chè thẳng tắp kia, mở cái chợ nông sản nhiều sắc màu kia, gieo mấy cái hạt ngô lên núi đá kia. Tư cách anh là gì, để xông vào đây? Ngay cả với chính nguyên quán, anh đã di cư từ tuổi 17, đến tuổi trung niên quay về, anh còn hiểu biết và có giá trị gì với cộng đồng đó không? Anh không biết làm nông như cha mẹ, chưa từng dự hội làng, cũng có thể chẳng còn dám chắc thế nào là bát bánh đa đúng phong vị nữa rồi.


Trong diễn ngôn này, những tài nguyên – mà thậm chí quan trọng trong việc hình thành bộ mặt và kết cấu quốc gia hơn cả mấy cái thành phố lớn – bị coi như thứ ai vào cấu một tí, xây xướng một tí, lượn phượn khệnh khạng vung bạc lẻ tìm đường giao hợp một tí, cũng được. Thậm chí còn mang tính đóng góp.


Tôi không nói rằng người phố không nên về. Tôi có nhiều bạn về “về quê” với một kế hoạch nghiêm cẩn, về việc đóng góp vào khung cảnh và kinh tế nông thôn, theo đặc trưng của vùng đất đó. Tôi có nhiều bạn khác, ngay cả khi định cư vẫn nhận thức được tư cách alien của mình và tìm cách ủng hộ các kết cấu văn hóa địa phương, thay vì phá vỡ chúng. Về cũng được, nhiều cuộc di cư tốt chứ, nhưng cái tôi hy vọng mọi người có, là một nhận thức. Rằng không gian này quan trọng. Quan trọng đến mức nếu có thể, tôi sẽ bắt người ở phố về quê trải qua một cuộc thi như thi lấy quốc tịch Hoa Kỳ hoặc là phải trình phương án đầu tư và vốn đối ứng như lấy PR ở Canada hoặc New Zealand ấy. Vì hầu hết di sản của dân tộc tôi, ở đấy tất.


Chứ không phải là em quẹt Tinder mãi mà toàn bị ghost chắc em tìm đứa single mom ngủ tạm đâu.


2.

Sở dĩ cái diễn ngôn nhỏ, mang tính trà dư tửu hậu kia, quan trọng với tôi đến thế, vì quan niệm “quê” như một thứ dự bị không có tính cách, dùng đến khi “phố” có vấn đề, không chỉ xuất hiện ở các cuộc trò chuyện. Tôi ngờ rằng nó là một thứ tư duy ăn cả vào xây dựng chính sách.


Bạn dừng xe bên đường, trong nắng thu Hà Nội vàng óng, và ngắm nhìn những người làng đang phơi lúa non làm cốm ở ngoại thành. Đằng sau những bó lúa xanh vàng, là những dãy nhà chung cư liên miên mà người ta đã xây đè lên ngôi làng cũ. Chỉ còn ít hộ giữ nghề.


Bỗng nhiên bạn nhận ra, ơ, cái làng cốm này mới là di sản vô giá, và nó quan trọng với cái quốc gia này, với việc hình thành nền văn hóa này, hơn nhiều mấy cái chung cư và nhà thuộc địa xập xệ mà đám trong phố kia đang khóc là “di sản” – và một trong những lý do mấy làng này bị xóa sổ chính là vì mong muốn bảo vệ cái nội đô lịch sử kia. Bạn tự hỏi rằng cái làng này so với mấy cái ngõ phố nát nhoe, 5 mét vuông có 8 lần vi phạm pháp luật xây dựng, cái gì là thứ cần giữ hơn?


Tôi không đủ thời gian để show ra những văn bản hay quyết định, những lập luận chính thức để khẳng định rằng có một sự thiên vị rất quái đản trong thi hành chính sách ở đây. Mà nó được tạo ra, vì “quê” không quan trọng. Văn hóa cả một vùng Thăng Long xưa, ngoài cái Hoàng thành, thực chất được tạo thành từ nghìn làng nghề, tạo ra từ những cánh đồng và ngôi đình ngoại ô, chứ có phải từ mấy cái nhà tập thể Liên Xô vẽ một đằng ông xây một nẻo đâu.


3.

Tôi, như mọi thị dân, cũng là người tích sản bằng bất động sản ở quê. Nhưng tôi quan niệm đó là một dạng chứng chỉ. Không homestay, “làm trang trại” con mẹ gì cả, em không có thời gian và tâm sức để thực sự tìm hiểu, học hỏi và tạo ra giá trị cho vùng đất đó. Trồng cây lên xong một năm được 26 cái ảnh check-in thu hoạch bưởi, đem về phố vừa nài vừa cho ấy hả.


Tôi vẫn nuôi mặc cảm. Và đi gạ dân bản địa, hay các tổ chức địa phương dùng đất của mình, không phải miễn phí, mà là cần thêm gì em đưa để các anh chị dùng được.


Tôi vẫn nuôi mặc cảm. Nhiều năm trước, tôi là người dịch và giới thiệu khái niệm “thành kiến đô thị” (urban bias) trên truyền thông Việt Nam đầu tiên. Tôi vẫn viết liên tục về chủ đề này, như hôm nay.


Tôi nghĩ cái thứ mặc cảm đấy cần thiết. Vì cuối cùng, thứ tư duy là vì tôi có một đôi tỷ, và thế là tôi có tất cả quyền lực thị trường giao cho để xông vào tùy ý đối xử với các cộng đồng này, là một lối nghĩ tệ hại. Nó là thứ tư duy của kẻ đi bắt nạt.

Tôi cũng chẳng bắt ai mặc cảm cùng mình được. Và mọi người cứ cho cái status này là một chuyện nội tâm rất cá nhân đi. Ai nhặt đi được gì để nghĩ, thì nhặt không thì thôi.


📸 Tôi & con trai bên thửa ruộng của mình


Related Posts

See All

Comments


bottom of page