top of page

“Bẻ nạng chống trời” xây nhà chống lũ

Đợt lũ tháng 9 vừa qua, nước lại nhấn chìm xã Tân Hóa, Quảng Bình. Nơi đây được ví như một túi nước khổng lồ do có địa hình trũng thấp. Mặc dù lượng nước dồn về nhiều nhưng lối thoát duy nhất là hang Tú Làn. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước lũ nhanh chóng dâng cao và hung hãn chảy qua Tân Hóa, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thế nhưng, mùa lũ năm nay đã khác, khi lũ dâng cao, những ngôi nhà cũng dâng cao theo nước, vững vàng như thách thức thủy thần... Đó chỉ là một trong những thành quả của người phụ nữ dám “bẻ nạng chống trời” Phạm Thị Hương Giang với dự án Nhà chống lũ...


Phạm Thị Hương Giang trong buổi bán tranh gây quỹ xây nhà chống lũ. Ảnh | QUÝ HÒA

Biến ý tưởng thành hiện thực


Ở rốn lũ xã Tân Hóa, dự án Nhà chống lũ đã làm gần 100 căn nhà phao giúp người dân có thể sống an toàn trong “túi đựng nước khổng lồ”. Thế rồi, từ gần 100 căn nhà phao, bà con đã tự học và nhân rộng mô hình, nâng tổng số nhà phao ở đây lên đến 400 căn. Trên cả nước những căn nhà chống lũ được làm từ sự chung tay của các nhà hảo tâm và người dân ngày càng nhiều. Ít ai biết rằng dự án Nhà chống lũ được một người phụ nữ có con trai bị tự kỷ - Phạm Thị Hương Giang hay còn gọi là Jang Kều.


Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại thương Hà Nội rồi lấy bằng thạc sĩ ngành Tài chính và Kinh doanh Quốc tế tại Hàn Quốc, chị Giang về nước làm Quản lý dự án của UNDP - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Lấy chồng sinh con, lập công ty và rất thành công trong kinh doanh, cuộc sống tưởng chừng đã rất viên mãn nhưng có một quãng thời gian người phụ nữ này cảm thấy không hạnh phúc và mất phương hướng, khi vừa chăm sóc cậu con trai Taka bị chứng tự kỷ, vừa quản lý khoảng chục công ty. Cậu bé sáu tuổi mới bắt đầu biết đi vệ sinh, biết ăn cơm, dám cho tắm rửa mà không sợ hãi... Khát vọng cháy bỏng của chị là bằng mọi giá giúp con trở thành một đứa bé bình thường. Giang đưa con đi khắp nơi, tới những vùng đất xa xôi, và làm những thứ mà mình từng không tin như “tìm lại linh hồn” của con trai ở xứ Basque Tây Ban Nha. Giang thường uốn nắn con trai bằng những “mệnh lệnh”: “Con phải thế này, con phải thế kia”.


“Cho đến một ngày, tôi đã thay đổi”, Giang chia sẻ: “Ngày đó, một người bạn ở Hà Nội vào chơi và tặng tôi một bó hoa theo mùa mà chỉ Hà Nội mới có. Tôi rất vui và để con trai chơi theo ý thích. Chưa bao giờ tôi thấy con lại hạnh phúc như thế. Con tôi đang chơi với nắng. Tôi và bạn cùng thốt lên: “Taka đang nhặt nắng kìa”. Chính điều đó giúp tôi nhận ra người ta chỉ hạnh phúc khi làm điều mình muốn và vì tôi chưa hạnh phúc, tôi chưa làm con trai hạnh phúc”.


Jang Kều tự vấn bản thân: “Điều gì khiến mình hạnh phúc?”. Và ngay lúc đó ký ức về niềm vui trong những lần tham gia các dự án cộng đồng, những chuyến đi từ thiện ùa về. Tôi đã có câu trả lời. Trước đây, cứ ở đâu có lũ là chúng tôi đến để cứu trợ. Chứng kiến cảnh tang thương do lũ gây ra ở Đại Lộc (Quảng Nam), ám ảnh nhất với tôi có lẽ là hình ảnh cụ già chống cuốc đứng thất thần, vô cảm nhìn mọi thứ chung quanh. Ánh mắt bất lực nhìn mọi thứ bị lũ cuốn đi luôn hiển hiện trong tâm trí. Từ đó, tôi nung nấu ý định xây dựng một mô hình nhà có thể chống chọi với lũ, bảo đảm an toàn cho người dân. Mãi đến năm 2013, tôi xem được bức ảnh trên mạng xã hội, đó là ảnh một ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên sáu cọc bê-tông, vẫn vững chãi giữa biển nước. Đó là công trình của GS Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng người hàng xóm ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tôi ngạc nhiên hỏi người bạn đăng tấm hình và vô cùng sung sướng khi phát hiện ra ngôi nhà gỗ gần 100 năm này đã “sống bình yên” trong lũ bão được hơn 10 năm. Và chi phí làm khung nhà có sáu cột bê-tông, một cầu thang bê-tông chỉ khoảng 25 triệu đồng. Tôi reo lên khi nghĩ rằng, đây chính là nền tảng của sự chung tay trong cộng đồng đóng góp hỗ trợ tối thiểu cho một ngôi nhà an toàn, còn các gia đình nghèo phải nỗ lực làm được phần nhà tầng hai hoặc thậm chí chỉ đưa căn nhà gỗ của mình lên trên.


Ngay ngày hôm sau, Giang chia sẻ ý tưởng và mô hình hợp tác cộng đồng để xây nhà chống lũ với những người bạn mà chị tin tưởng. Đúng một tuần sau, Giang cùng bạn mình là nhà báo Mỹ Linh (VTV3) tổ chức chương trình gây quỹ đầu tiên. Với hơn 200 triệu ban đầu thu được, Giang đã đi xây năm căn nhà đầu tiên ở xã Sơn Thịnh, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Dự án Nhà chống lũ ra đời với phương châm cùng chung tay với người dân xây nhà, chứ không cho không nhà. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân sẽ đóng góp ít nhất 50% số vốn đối ứng. Họ sẽ phải nghĩ cách xoay xở, lo tài chính tham gia từ quá trình thiết kế cho đến lên kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu và thuê thợ thi công. Như thế họ tự tin chủ động tự xây ngôi nhà và thay đổi cuộc đời của mình. Đó chính là mục đích quan trọng nhất, quan trọng hơn chính ngôi nhà.


Nhà phao phát huy hiệu quả trong lũ. Ảnh | MINH HẠNH

Hàng nghìn người an toàn trước thiên tai


Căn nhà đầu tiên đươc dự án Nhà chống lũ hỗ trợ là nhà bà Hồ Thị Nga ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Jang Kều chứng kiến căn nhà sắp đổ sập nhưng ngước lên thấy chiếc quan tài trên gác xép. Bà Nga kể cách đây ba năm khi lũ lên cao quá, bà với ông phải núp trên gác xép. Lũ lâu quá, ông chết, bà ôm xác ông, phải cuốn bằng chiếu đem chôn. Bao nhiêu năm bà tích cóp mua quan tài để ít ra chết còn có cái để chôn. Câu chuyện này làm Giang ám ảnh, quyết tâm phải giúp bà xây nhà chống lũ. Lúc đó, bà Nga chỉ có 10.000 đồng cùng căn nhà gỗ đổ nát, trong khi nhà chống lũ phải cần ít nhất 25 triệu đồng vốn đối ứng. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, Giang động viên bà cụ dỡ căn nhà, bán đống gỗ được 10 triệu đồng, thuyết phục ba người con gái đi lấy chồng xa mỗi người góp sáu triệu, là đủ tiền xây nhà.


Giang quyết định cho hoặc tặng bạn bè các công ty, chỉ giữ lại vài công ty, dành thời gian cho dự án Nhà chống lũ và quỹ Sống Foundation do chị sáng lập. Nhà chống lũ gây quỹ theo hình thức “crowd-funding” (gọi vốn cộng đồng) và gây quỹ trực tiếp từ các chương trình gây quỹ thường niên. Ban đầu, nguồn chính đi từ các chương trình gây quỹ (90%), nhưng sau này khi dự án hoạt động có hiệu quả, được cộng đồng ghi nhận thì con số từ crowd-funding đã tăng lên đáng kể. Cá biệt như năm 2016, hơn 50% đến từ nguồn online này. Giang luôn cùng team khảo sát, đánh giá, bàn bạc với các hộ dân để đưa ra chương trình hành động khả thi trước khi tổ chức gây quỹ. Chính vì vậy, Giang thuyết phục được cộng đồng tin tưởng và gây quỹ đủ theo kế hoạch hành động đã đặt ra.


Đến nay, qua hơn năm năm phát triển, quỹ Sống Foundation với dự án Nhà chống lũ đã xây được gần 700 căn, giúp 3.500 người an toàn trước thiên tai, đến với 11 địa phương trên cả nước. Tất cả nhờ vào việc gây quỹ thành công gần 30 tỷ đồng từ cộng đồng. Năm 2018 dự án đã xây 523 căn nhà, ước tính hỗ trợ trực tiếp cho 2.092 người có đời sống an toàn trước thiên tai.


Năm 2019, quỹ Sống Foundation đang xây dựng 150 ngôi nhà an toàn, 11 mô hình nhà, hoàn thành mô hình “Làng Hạnh phúc” tại Hội An, thực hiện sáu chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và sẽ trồng mới 51 nghìn cây xanh ở khu vực thành thị, nông thôn, ven biển.


Tới nay, Nhà chống lũ có tám mô hình nhà an toàn chống bão lũ, thủy triều lên phù hợp với từng địa bàn, địa chất, vùng miền khác nhau. Dự án có một số thành viên chuyên trách, hợp tác với các nhóm hỗ trợ như kiến trúc, thanh niên, phụ nữ... và thuê thợ địa phương để tạo công ăn việc làm và tăng tính nỗ lực, vươn lên của người dân.


Mới đây Phạm Thị Hương Giang đã được tạp chí Forsbes VietNam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất năm 2019, với những cống hiến to lớn trong hoạt động thiện nguyện xã hội. Nhưng với Jang Kều đó chỉ là một sự khởi đầu trên con đường thiện nguyện.


“Ngôi nhà chỉ là cánh cửa khơi dậy niềm tin của người dân để dựng lại đời mới. Điều chúng tôi hướng tới là cuộc sống bền vững gồm ba chương trình hành động. Một là cộng đồng bền vững về vật chất, có nhà an toàn rồi thì bắt đầu làm về ánh sáng, nhà vệ sinh, nước sạch... Thứ hai là môi trường bền vững gồm trồng nhiều cây xanh, tiêu hủy rác thải và thứ ba là thay đổi nhận thức của người dân, tập cho họ chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ gia đình mình, giúp đỡ người khác và họ là người tự giải quyết những vấn đề của mình”, Giang trải lòng.


Minh Hạnh | Báo Nhân Dân | 25/10/2019 | 19:31


Comentarios


bottom of page