Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm Phó Chủ Nhiệm một hợp tác xã may mặc của Nhà Nước ở Hà Nội. Nói là hợp tác xã thôi nhưng mà khá lớn, có tới gần 700 xã viên hay còn gọi là công nhân may. Cơ quan mẹ tôi chỉ sản xuất hàng xuất đi Liên Xô, chủ yếu may bộ đồ bảo hộ vải chéo xanh và quần áo mưa bằng giả da. Mẹ tôi yêu văn hoá Nga từ khi còn đi học, thích nói tiếng Nga, đọc thơ Nga. Đối tác Liên Xô của mẹ tôi có một bà quản lý người Nga tên là Natasa được biệt phái sang Việt Nam, làm việc tại cơ quan mẹ tôi để giám sát và đốc thúc tiến độ, chất lượng công việc. Bà Natasa hay đến nhà tôi ăn cơm, hồi đó rất ít “Tây”, nên mỗi lần bà đến là các bạn trong xóm bảo nhau “Nhà Jang Kều có bà Liên Xô đấy!”. Với tôi, Liên Xô hồi đó là một trời mơ ước! Và mơ ước cụ thể, trước mắt của tôi là được có một con lật đật. Mang tiếng mẹ tôi “chức to” thế mà tôi cũng chẳng có, toàn phải sang chơi “ké” lật đật của em Trang cháu bà Cào hàng xóm vì bố em ấy đi lao động ở Liên Xô gửi về. Em ấy có những 2 con liền, một con màu đỏ rất to và một con nhỏ hơn mặt hình con cáo màu xanh, xịn lắm!
Cho đến khi tôi học lớp 3, đoạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi thì mẹ mới quyết định mua tặng tôi một con lật đật màu đỏ, bé hơn con của em Trang nhiều, nhưng với tôi đó đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, đến khi có lật đật rồi thì tôi lại không mê mẩn nó nữa vì nó không thể…nằm ngủ cùng tôi. Tôi hay đắp chăn cho nó ngủ cùng, nhưng hễ động vào một cái là nó bật dậy và lại kêu váng lên, làm tất cả giật mình, nhất là khi cả nhà đang ngủ. Tôi bảo mẹ là em lật đật không ngoan, cứng đầu, lại còn mồm to kêu váng lên nữa! Anh trai tôi thì bảo nó hay chứ, vì nó kiên cường và dũng cảm, có đánh ngã vẫn bật dậy. Thế là tôi phải tự làm một con búp bê vải cho mình để bế đi ngủ thay cho con lật đật. Cho đến khi tôi có một con búp bê “xịn” to đùng, biết nhắm mở mắt, có thể chơi hay đi ngủ cùng, thì tôi chỉ còn để con lật đật trên tầng cao nhất của giá sách!
Thế rồi cuối năm 1991, Liên Xô tan rã, hợp tác xã mà mẹ tôi làm việc cũng tan vỡ theo. Tôi nhớ là toàn bộ cán bộ xã viên và gia đình của hợp tác xã bị sốc lắm. Mẹ bảo tất cả tiền của hợp tác xã nằm hết ở chỗ cho đối tác Liên Xô nợ, giờ chẳng còn Liên Xô thì làm gì có ai trả nợ cho! Hợp tác xã thế là sụp đổ. Hàng trăm gia đình, hàng ngàn con người bơ vơ mất nguồn thu nhập, không cơ quan nào đứng ra đền bù lương hay bất cứ một khoản trợ cấp nào vì … chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Ai hỏi thì nhận được câu trả lời “Sang Liên Xô mà hỏi!”, và làm gì còn Liên Xô!!! Mẹ tôi phải xoay sở nhận hàng về nhà may, rồi tổ chức sản xuất như một xưởng nhỏ tại nhà với một số công nhân là xã viên cũ để có tiền nuôi con, trang trải. Hồi đó tôi đi học trường chuyên, còn anh trai tôi tuy vẫn học ở gần nhà nhưng cũng là một cái “máy nghiền tiền” của bố mẹ do suốt ngày chỉ vẽ và vẽ.
Lớn lên, tôi vẫn giữ con lật đật, hay còn gọi là “con nhào lộn”, món đồ chơi truyền thống của người Liên Xô từ thế kỷ thứ 19 này. Chẳng phải vì tôi yêu thích hay gắn bó quá với nó nhưng nó luôn là một phần kí ức, là những kỉ niệm tuổi ấu thơ không chỉ với tôi mà còn với bao đứa trẻ thời đó, và tôi tin nó cũng là một phần kí ức của mẹ tôi và những người sống trong một giai đoạn lịch sử có dấu ấn “hữu nghị Việt Xô” ấy.
Giờ đây người ta hay gọi nước Nga là “gấu Nga”. Còn trong mắt tôi thì cứ nghĩ đến nước Nga tôi lại nghĩ đến hình ảnh một con lật đật béo tròn. Tôi gọi là “lật đật Nga”, vì nó bảo thủ, ì ạch, trì trệ và vênh váo một cách đáng thương. Bạn cũng có thể đồng ý với tôi là Nga giống một chú lật đật nhưng bạn lại nhìn nó đáng yêu, kiên cường và dũng cảm như cách anh tôi nghĩ. Tôi ghét chiến tranh, tôi không thích những ý kiến ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng bạn có thể đồng tình và ra sức biện hộ cho hành động đó. Tôi thích sự nhất quán trong lời nói - hành động, nếu đã chê 'Chiến tranh xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền', thì nghĩa là khi biểu quyết anh phải phản đối nó. Nhưng bạn lại thích “đi hàng hai”, và bạn nhìn đó là sự khôn khéo, mềm mỏng. Mỗi người có một quan điểm! Tôi chả bắt các bạn phải nghe theo tôi. Và tôi có quyền unfriend hay block người ủng hộ chiến tranh, tường nhà tôi, quyền của tôi mà. Bạn không thích quan điểm của tôi, bạn có thể chọn đừng vào tường nhà tôi đọc, hoặc chủ động unfriend hay block tôi. Chuyện rất bình thường!
Thế mà nhiều bạn không chấp nhận, họ muốn tôi phải nghĩ giống họ! Họ kết thành “đàn” lao vào chửi bới, bắt tôi phải không được thất vọng, không được thấy xấu hổ, phải “cút sang phương Tây mà ở”, rồi thi nhau hack facebook của tôi đến tận bây giờ. Hack không được thì rủ nhau report để tôi bị “restricted”, không comment được để “cãi” họ, và rồi hí hửng “Không đủ lập luận để trả lời chứ gì!”, “Đã ngu về chính trị lại còn tưởng hay!”, “có tí nổi tiếng trên MXH tưởng giỏi hoá ra còn ngu lắm”… ;-))) À, cũng có một số bạn lịch sự ghê, còn khuyên tôi “Chị nên đi học thêm 1 khoá chính trị đi, mới đủ trình độ hiểu chuyện này”, bạn khác thì “tốt nhất là chị chỉ nên đi trồng cây, xây nhà chứ đừng xắn quần lội vào chính trị”. Có bạn rất “chân tình”: “Thôi, chị chỉ nên làm việc xã hội thôi, đừng để ý đến chính trị làm gì cả!”. Cám ơn các bạn quá quan tâm ạ! Chết thật, tôi cứ tưởng, giờ này giá xăng tăng lên, giá cái bánh mì cũng tăng lên, giá que test covid nhảy tưng tưng khắp chốn, tất cả đều là chính trị! Ai dè chính trị cao quý và bí hiểm lắm, đến mức nhìn sự việc một nước này đi xâm lược nước kia, giết chết bao nhiêu dân thường của họ, đúng sai tưởng rất rõ ràng, nhưng không phải vì…nó…phức tạp lắm! Thế thì chính trị của các bạn ở tầm cao siêu quá! Các bạn cứ ở nguyên trên cao đấy nhé, đừng xà xuống bức “tường nhà” thấp lè tè của đám người trần mắt thịt như tôi!
Bye bye các bạn Dờ Lờ Vờ và con “lật-đật-Nga-kiên-cường” của các bạn! Tôi chán chơi lật đật lắm rồi!
Các bạn làm tôi nhớ đến 2 câu thơ:
“Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sỹ
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” (*)
Thôi, mở bài hát “Ước sao ta chưa gặp nhau”! ;-))))
——-
(*) Tập thơ Mở Cửa của nhà thơ Việt Phương
Comments