Thực hiện chương trình Hạnh phúc xanh với mục đích phục hồi rừng, các thành viên Quỹ Sống (Sống Foundation) luôn tâm niệm, trồng rừng không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn bao hàm những giá trị bền vững về văn hóa và tinh thần.
Khoảng những năm 70, 80 của thế kỷ trước, diện tích tỉnh Ninh Thuận được bao phủ hầu hết bởi rừng nguyên sinh, là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã như cọp, voi, nai…
Thế nhưng, đời sống kinh tế khó khăn khiến người dân bắt buộc phải tiến hành khai thác rừng, làm diện tích rừng nguyên sinh ngày càng bị thu hẹp. Chỉ sau vài chục năm, hiện tượng sa mạc hóa đã biến Ninh Thuận thành mảnh đất cằn cỗi với những đồi trọc, cát đá phủ một màu trắng xóa.
Nhận thức được những mối nguy từ việc mất rừng, theo ông Lê Xuân Hoà, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan nông, lâm nghiệp ở Ninh Thuận từ nhiều năm nay vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp làm sao để trồng rừng, giữ nước mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào người Chăm, người Rắc Lây.
Tuy nhiên, khí hậu khô hạn cộng với sự xâm lấn của cát khiến công tác phục hồi rừng vấp phải muôn vàn khó khăn, bế tắc. Nỗi trăn trở của những người con Ninh Thuận về việc làm sao tìm lại màu xanh cho mảnh đất quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng ông Hòa, cũng như nhiều cán bộ nông, lâm nghiệp địa phương.
Thấu hiểu tấm lòng yêu rừng, yêu quê hương đất nước của cán bộ, người dân Ninh Thuận, đồng thời cũng chung nỗi lo khi Tổ quốc đang mất dần đi những sắc xanh, chương trình Hạnh phúc xanh đã lựa chọn Ninh Thuận để thực hiện dự án phục hồi rừng mang tên Giao hưởng rừng xanh (Forest Symphony).
Làm sao để mỗi đứa trẻ đều được làm bạn với cây
Chương trình Hạnh phúc xanh được chính thức thành lập từ cuối năm 2018, với những ý tưởng được ấp ủ bởi chị Phạm Thị Hương Giang (hay còn được gọi với biệt danh Giang Kều) cùng các thành viên của Qũy Sống. Chương trình chính thức đi vào hoạt động với tên gọi ban đầu là Những đứa trẻ và cây xanh.
Nhìn ra phía những hàng cây xanh ngát, chị Giang Kều hoài niệm về những điều thôi thúc bản thân viết ra kế hoạch thành lập chương trình phục hồi rừng. Đó là khi gia đình chị chuyển về căn nhà chung cư mới, rất khang trang, sạch sẽ nhưng lại vắng bóng cây xanh.
Để làm trong lành không gian sống, mẹ con chị Giang Kều đã bắt tay trồng một khu vườn ngoài ban công, với những cây, những hoa và cả những luống rau, tạo cho gia đình một góc nhỏ tươi mát.
Hạnh phúc khi nhìn con có cơ hội được hòa mình với thiên nhiên, một câu hỏi cũng nhen nhóm trong lòng nhà sáng lập Quỹ Sống: “Con mình có cây xanh nhưng còn những đứa trẻ khác trên đất nước này, liệu chúng có những cái cây của riêng mình”?
Theo chị Giang Kều, mỗi đứa trẻ khi ra đời đều cần được làm bạn với cây xanh. Những cái cây sẽ dạy cho trẻ tình yêu thuần khiết với thiên nhiên. Những đứa trẻ yêu cây, yêu thiên nhiên sẽ trở thành những đứa trẻ nhân ái, trở thành nền tảng cho một xã hội nhân ái, biết sẻ chia.
Rồi một ngày, trong chuyến đi trao học bổng cho các bạn sinh viên ở Bình Định, chị Giang Kều nhận được món quà đặc biệt là cuốn sách mang tên Người trồng rừng. Câu chuyện trong cuốn sách kể về một người đàn ông, suốt 3 năm ròng rã đã trồng 100 nghìn cây sồi, với hy vọng hồi sinh một mảnh đất hoang vắng, mặc dù chẳng phải chủ nhân, cũng chẳng biết chủ nhân mảnh đất ấy là ai.
Câu chuyện ấy khiến nhà sáng lập Sống Foundation nhận ra, mọi người hoàn toàn có thể chung tay để trồng rừng giữ đất, giữ nước, để bảo vệ màu xanh cho trái đất mà chẳng cứ phải vì một cái lợi ích trước mắt nào cả. Từ đó, Hạnh phúc xanh ra đời với sứ mệnh kết nối, kêu gọi toàn xã hội cùng nhau góp sức tìm kiếm giải pháp để phục hồi và bảo vệ những cánh rừng.
Những cánh rừng sẽ tiếp tục xanh
Dự án Giao hưởng rừng xanh được tiến hành từ tháng 5/2021, đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ trồng được 20 héc ta rừng, tương đương với khoảng 20 nghìn cây xanh. Song song với việc trồng cây theo phương pháp truyền thống, dự án cũng tiến hành tái sinh rừng bằng công nghệ bom hạt giống.
Chị Thu Lành, Quản lý chương trình Hạnh phúc xanh cho biết, mặc dù nhận được nguồn lực hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tổ chức, dự án vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn do tình trạng sa mạc hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt khi bước vào thời điểm mùa khô. Bên cạnh đó, tập quán chăn thả gia súc cũng là nguyên nhân khiến nhiều loài cây rừng bị tàn phá khi chưa kịp phát triển.
Tuy nhiên, theo chị Lành, đội ngũ Hạnh phúc xanh cũng như các đối tác đều không hề tỏ ra bi quan với khó khăn trước mắt, bởi “trong quá khứ đã có rừng thì rừng chắc chắn sẽ được phục hồi”.
Hạnh phúc xanh cùng các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Thuận quyết định tái sinh rừng bằng các giống thực vật bản địa. Trong đó, cây thanh thất được lựa chọn làm loài cây tiên phong, nhờ vào sức sống mãnh liệt, lại không phải thức ăn của các loài gia súc như dê, bò.
Sau khi triển khai trồng cây thanh thất, các các loài cây bản địa khác cũng sẽ được ươm trồng để duy trì đa dạng sinh học, tạo môi trường sống và thức ăn cho các động vật hoang dã, đặc biệt là con voọc, loài động vật quý hiếm đang phải tràn xuống khu vực dân cư để kiếm thức ăn do diện tích rừng thu hẹp.
Cùng với việc phát triển rừng, Hạnh phúc xanh tiến hành hoạt động tuyên truyền, làm sống lại những nét văn hóa truyền thống giữ nước, giữ rừng của đồng bào dân tộc để huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng. Qua đó, hoạt động trồng rừng còn đem lại sự kết nối giữa các thế hệ, kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời không bị mai một đi bởi thời gian.
Sự hỗ trợ của người dân, cơ quan quản lý cũng như các cá nhân, tổ chức giúp dự án được thực hiện theo phương pháp tiếp cận là cùng chung tay để tạo ra những điều lớn lao và ý nghĩa. Đây là phương pháp tiếp cận được Quỹ Sống áp dụng cho các dự án, tiêu biểu như Nhà Chống Lũ.
Thông qua dự án, Quỹ Sống hy vọng tìm ra được giải pháp thích hợp để phục hồi hàng ngàn, hàng triệu héc ta rừng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mặt khác, Giao hưởng rừng xanh cũng là lời kêu gọi toàn tới toàn thể cộng đồng, bằng một cách nào đó, hãy góp một phần sức dù là nhỏ bé để trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng, cũng là bảo vệ chính cuộc sống và tương lai của thế hệ sau.
Phạm Sơn | The LEADER | 11/05/2021 | 09:52
Comments