Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa chứng minh rằng: khi làm tổn hại thiên nhiên, loài người chúng ta đã từ bỏ sự chở che từ Mẹ Trái đất trước các mầm bệnh chết chóc.
“Khi ngày càng nhiều cánh rừng bị chặt phá trên khắp thế giới, các nhà khoa học lo lắng rằng đại dịch chết người tiếp theo có thể đến từ những sinh vật sống trong rừng”, nhà báo Katarina Zimmer viết trong bài “Phá rừng dẫn đến nhiều bệnh truyền nhiễm ở người” trên National Geographic tháng 11-2019.
Chỉ vài tuần sau đó, thế giới ghi nhận ca nhiễm COVID-19 chính thức đầu tiên, liên quan đến một chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi chuyên mua bán và giết mổ động vật hoang dã. Đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng điều chắc chắn là COVID-19 không phải là bệnh lây từ động vật sang người đầu tiên.
Hàng thế kỷ qua, con người đã “rước lấy” không ít loại virus và vi khuẩn độc hại từ động vật hoang dã. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng nạn phá rừng gây ra một loạt hệ quả phức tạp trong tự nhiên, từ đó vô tình “giải phóng” các mầm bệnh truyền nhiễm vào thế giới loài người.
XEM THƯỜNG RỪNG ...
Năm 1997, khói mù bao trùm các khu rừng nhiệt đới vô giá của Indonesia khi người dân đốt cháy những mảng rừng rộng lớn để lấy đất cho nông nghiệp. Cây cối không còn, hoặc chẳng đủ sức mà đơm hoa kết trái, buộc loài dơi ăn quả phải bay đi nơi khác tìm thức ăn - mang theo một mầm bệnh chết người.
Lũ dơi tìm được điểm đáp lý tưởng: các vườn trái cây của đất nước kế bên, Malaysia. Không lâu sau, các đàn heo xung quanh vườn bắt đầu đổ bệnh. Theo báo cáo năm 2002 của ĐH Malaya (Malaysia), đàn heo có thể đã ăn phải các mẩu trái cây rơi rụng mà bầy dơi đã xơi trước đó. Và rồi heo truyền bệnh sang những người chăn nuôi địa phương. Tính đến năm 1999, gần 300 người có triệu chứng viêm não nặng, trong đó có 105 ca tử vong.
Đó là lần đầu tiên bệnh do virus Nipah được ghi nhận ở người. Cho đến nay, virus này vẫn thỉnh thoảng gây bùng dịch ở châu Á, tấn công con người và nhiều loài động vật khác, trong khi chưa có thuốc điều trị và vắc xin. Người dân có thể mắc bệnh nếu ăn phải trái cây có dính nước tiểu hoặc nước bọt của những con dơi mang virus.
Tình trạng phá rừng “mở đường” cho virus vào thế giới loài người; phá rừng kéo dài còn phá hủy các nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trong quá khứ, giống như những gì đang xảy ra ở Nam Mỹ. Sốt rét, với hơn 1 triệu nạn nhân xấu số khắp thế giới hằng năm, là bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, truyền từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Anopheles.
Trong thập niên 1940, Brazil ghi nhận 6 triệu ca sốt rét mỗi năm, nhưng đến những năm 1960, số ca bệnh đã giảm hơn 99%, nhờ có các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Thế nhưng, số bệnh nhân sốt rét đang tăng trở lại vào đầu thế kỷ này, giữa bối cảnh rừng rậm biến mất nhanh chóng, nhường chỗ cho nông nghiệp.
Một nghiên cứu được tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences công bố năm 2019 đã đưa ra bằng chứng mạnh mẽ về mối song hành giữa nạn phá rừng và bệnh sốt rét: Từ dữ liệu vệ tinh và y tế liên quan đến phần rừng Amazon thuộc Brazil trong 13 năm liền, các nhà nghiên cứu ước tính rằng cứ 10% diện tích rừng mất đi thì số ca sốt rét tăng thêm 3% trong một năm.
Chuyện gì đã xảy ra? Việc phát quang rừng dường như đã tạo môi trường sống và sinh sản lý tưởng cho loài muỗi, theo nghiên cứu của Amy Vittor, một nhà dịch tễ học Mỹ. Lũ muỗi vốn thích những vũng nước ấm áp, vừa có bóng râm, vừa có nắng ven các con đường xẻ rừng, mà chẳng lo cây cối sẽ uống cạn chỗ nước đó.
Tình hình hiện tại không mấy sáng sủa. Từ tháng 8-2020 đến tháng 7-2021, rừng nhiệt đới Amazon đã mất đi 10.476km vuông (gấp 5 lần diện tích TP.HCM), theo công bố của Imazon - Viện Nghiên cứu Brazil chuyên theo dõi nạn phá rừng ở Amazon. Đây là mất mát kinh khủng nhất trong vòng 10 năm qua!
Khi mà nạn đốt phá rừng vẫn còn tiếp diễn ở Amazon, châu Phi và Đông Nam Á, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về sức khỏe của dân cư sống ở bìa rừng. Ngoài những dịch bệnh đã biết, giới khoa học cảnh báo về những mầm bệnh chết người chưa lộ diện. Chúng đã luôn tồn tại yên ổn trong các cánh rừng, miễn là loài người không xâm lấn sâu hơn.
...VÀ TỆ VỚI THÚ
Loài người đã để bản thân phơi nhiễm trước các mầm bệnh trong tự nhiên theo những cách khác nhau. Một trong số đó là nạn buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Theo báo cáo năm 2016 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc - UNEP, cứ mỗi bốn tháng lại xuất hiện một bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người, thường có liên quan đến việc tiêu thụ thịt các loài linh trưởng hoang dã và các động vật ngoại lai khác.
Khi mà con người không ngừng cạnh tranh nguồn nước, thức ăn và lãnh thổ của động vật hoang dã, chúng ta tiếp xúc với chúng nhiều hơn, tạo thời cơ cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Trên thực tế, 60% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người (như HIV, Ebola và SARS) đều bắt nguồn từ động vật rừng và được truyền sang người bởi nhiều loài vật khác, mà phần lớn là hoang dã, theo Tổ chức Y tế thế giới.
Trong một công bố năm 2020 trên tạp chí của Hội Khoa học Hoàng gia Anh, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các loài gặm nhấm, linh trưởng và dơi mang nhiều loại virus gây bệnh cho người hơn cả. Ngoài ra, những loài có số lượng cá thể dồi dào thường có nhiều cơ hội truyền virus sang người hơn, bởi chúng đã thích nghi với những nơi con người thống trị.
Bệnh Lyme ở Mỹ là một ví dụ cho thấy môi trường sống của chúng ta đôi khi thu hút các loài vật khác. Đây là một bệnh viêm nhiễm ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, gây ra bởi vi khuẩn thuộc chi Borrelia, lây truyền thông qua những con ve ký sinh và hút máu. Khi không còn rừng cây, hươu và chuột chân trắng - vốn là bến đỗ của loài ve kể trên - bắt đầu tìm đến nhà của con người. Chúng đặc biệt yêu thích những sân vườn. Như vậy, khi con người lấy đi nơi ở của hươu và chuột, họ đã “đón” ve truyền bệnh Lyme vào nhà mình.
Vậy công cuộc khai thác sinh vật biển của chúng ta liệu có mang đến mầm bệnh nguy hiểm nào? Khi khám phá những hòn đảo xa xôi nhất ở trung tâm Thái Bình Dương, Enric Sala, tác giả cuốn sách The Nature of Nature: Why We Need the Wild (Bản chất của tự nhiên: Lý do ta cần thiên nhiên hoang dã) đã có câu trả lời.
Nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy: càng có nhiều người sống trên một hòn đảo thì số lượng vi sinh vật trong nước càng lớn. Cụ thể là số lượng vi khuẩn trong làn nước đục ở đảo Kiritimati (khi đó có 5.100 dân) nhiều gấp 10 lần so với làn nước trong như pha lê ở đảo Kingman (không có người ở). Tại Kiritimati, khoảng một phần ba số vi khuẩn là mầm bệnh. Trong đó có vi khuẩn Vibrio, không những gây bệnh cho san hô, mà còn nguy hiểm cho người (gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, vết thương và máu).
Điều đáng nói là tự nhiên có sẵn cách kiểm soát mầm bệnh, nhưng cũng chính con người đã loại bỏ nó. Số là ở Kingman có những con trai khổng lồ nặng hơn 200kg, có thể “lọc” rất nhiều nước biển bằng chính cơ thể to lớn của mình, và giữ lại thức ăn là các vi sinh vật. Loài trai này có thể loại bỏ phần lớn virus và vi khuẩn trong nước biển - bao gồm cả khuẩn Vibrio - giúp nước luôn trong lành. Đáng buồn thay, trai khổng lồ ở Thái Bình Dương đã bị khai thác quá mức để lấy thịt và vỏ, gần như đã biến mất ở nhiều nơi. Đấy là cách chúng ta... phá hủy một trong những “hệ thống lọc nước” tốt nhất quả đất!
"...Ngay cả khi tất cả chỉ vì những lý do ích kỷ - vì sự sống còn của chúng ta - Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có thiên nhiên hoang dã. Một thế giới tự nhiên khỏe mạnh là phương thuốc chống virus tốt nhất của chúng ta", Enric Sala
CÁCH NHÌN MỚI
Enric Sala viết trên National Geographic: “Chúng ta đã chứng kiến, hết lần này đến lần khác, rằng mặc dù ta không biết phần lớn chúng đang làm gì, nhưng tất cả các loài động vật hoang dã đều có những vai trò quan trọng để giữ cho sinh quyển của chúng ta hoạt động”.
Thay vì tiêu diệt động vật hoang dã để ngăn chặn dịch bệnh truyền sang người, chúng ta nên làm ngược lại. Những việc có thể làm bao gồm: ngăn chặn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, chấm dứt nạn phá rừng, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, giáo dục người dân, thay đổi cách chúng ta sản xuất thực phẩm, dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn...
Bài báo của Katarina Zimmer thì giới thiệu một đề xuất của Ecohealth Alliance, tổ chức đi đầu trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường: Hãy xem “ngăn chặn dịch bệnh” là một lợi ích mới của các hệ sinh thái tự nhiên, giống như “lưu trữ carbon” và “thụ phấn”. Có như vậy, con người sẽ bắt đầu nghiêm túc bảo vệ lợi ích này, tức là bảo tồn thiên nhiên. Khi đó, thiên nhiên sẽ quay lại bảo vệ chúng ta.
Loài người biết nuôi dưỡng, trân trọng và sống hòa thuận với thiên nhiên mới thật sự là... tinh khôn.■
- Lê My - Nhà báo, người kể chuyện về khoa học và môi trường.
Đó chính là một trong những lí do chính tại sao SỐNG FOUNDATION triển khai chương trình HẠNH PHÚC XANH. Và năm nay, dự án Forest Symphony của HPX đã chính thức bắt đầu trồng 50ha tại Sóc Trăng và 50ha ở Ninh Thuận. Bọn mình vừa hoàn thành 8.5ha rừng ngập mặn đầu tiên. Đây là hành trình của bọn mình đấy: https://fb.watch/7Y-yIkVd_f/
Opmerkingen