Thiên tai ngày càng khốc liệt, chuyện “sống chung” với lũ đã trở thành một phần cuộc sống của người dân miền Trung. Những lần lũ lụt dâng lên, bà Phạm Thị Hương Giang không chọn cách tặng tiền, tặng gạo hay mì tôm... mà nhóm dự án cộng đồng của bà lại tập trung xây dựng những căn nhà an toàn cho người dân vùng lũ.
Hiệu quả từ mô hình nhà chống lũ
Những ngày qua, “khúc ruột” miền Trung luôn phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn từ bão lụt. Bà Phạm Thị Hương Giang (sinh năm 1979) - người sáng lập Quỹ Sống (Sống Foundation) - cùng các cộng sự thuộc dự án cộng đồng “Nhà chống lũ” cho biết, trong sáng 18.10, dù nước ngập rất sâu nhưng những ngôi nhà phao - một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) một lần nữa đã phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân nơi đây.
Từng có thời gian dài làm việc tại nước ngoài, bà Giang trở về nước tự kinh doanh, tham gia quản lý dự án của UNDP - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ý tưởng thành lập dự án “Nhà chống lũ” đến với bà rất tình cờ. Từ năm 2009, bà đã nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình nhà an toàn, nền tảng an toàn để người dân kiến thiết cuộc sống. Tháng 11.2013, dự án “Nhà chống lũ” chính thức được thành lập. Dự án gồm 9 mô hình nhà an toàn với các mẫu thiết kế khác nhau, được các thành viên là kiến trúc sư, chuyên gia địa chất trong nhóm nghiên cứu rất tỉ mỉ. Kết cấu nhà an toàn, chi phí rẻ chưa tới 100 triệu đồng này có thể thích ứng được với các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu thường xảy ra tại miền Trung.
Được biết, dự án “Nhà chống lũ” thành lập nhằm chung tay cùng người dân nghèo vùng lũ xây dựng nhà, kiến thiết cuộc sống mới. Dự án sẽ hỗ trợ 50% tài chính huy động từ các chương trình cộng đồng mà nhóm tổ chức như: Bán tranh đấu giá; quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm; doanh nghiệp...
Suốt 7 năm qua, dự án đã xây dựng thành công 795 căn đơn lẻ và 120 căn nhà nằm trong 2 làng hạnh phúc ở tỉnh Quảng Nam. Các mô hình nhà an toàn được nhóm triển khai trọng điểm tại một số tỉnh thành thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ lụt như Quảng Nam, Quảng Bình... Từ các mô hình nhà an toàn này, người dân nghèo sẽ không còn cảnh quanh năm lo lắng với mức báo động trên sông, của cải nhiều năm tích cóp cũng được bảo vệ an toàn khi mùa bão lũ tràn về.
Lũ đi qua, nhà an toàn ở lại
Theo bà Giang, hầu hết hộ dân được dự án “Nhà chống lũ” hỗ trợ trong vòng 7 năm qua đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.
Nói về những khó khăn khi bắt tay vào dự án, các thành viên trong “Nhà chống lũ” đã phải nghiên cứu rất kỹ từ khâu chọn vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với khí hậu, thời tiết của từng vùng miền. Vật liệu thân thiện với môi trường, phải có độ bền và chi phí không quá đắt khi ứng dụng vào thực tiễn.
“Con số 795 ngôi nhà đã được xây dựng vẫn còn rất nhỏ bé và chìm nghỉm so với 150.000 căn nhà đã bị lũ cuốn trôi và đổ sập trong đợt lũ lụt vừa qua. Dự án “Nhà chống lũ” cho rằng, việc hỗ trợ cộng đồng không chỉ là chuyện cho và xin, mà là sự cộng hưởng. Trong thời gian sắp tới, dự án “Nhà chống lũ” sẽ tiếp tục bám sát tình hình để lên kế hoạch hỗ trợ, xây nhà an toàn cho bà con ở những địa bàn chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua” - bà Giang tâm sự.
Phạm Đông - Lan Nhi | Báo Lao Động | 27/10/2020 | 07:11
Comments