top of page

Hạnh phúc của người thợ xây

Updated: Oct 3, 2021

Tôi đang ngồi trên chuyến bay trở về Sài Gòn sau một ngày rưỡi đầy ắp niềm vui ở Hà Nội, nhìn qua ô cửa, hoàng hôn đã lên thật đẹp. Chiều hôm qua tôi vừa ra Hà Nội để chia sẻ những “lời nhắn từ tương lai” của mình trên đường băng “Cất Cánh” của VTV1. Ở đó, tôi gặp người anh đồng hành trong Quỹ Sống của mình, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, hai anh em vừa nhìn thấy nhau là ôm chầm lấy, tranh thủ chia sẻ, dặn dò nhau. Rồi người chị là mẹ Thiện Nhân - nhà báo Trần Mai Anh - hai chị em cũng mừng vui quá vì rất lâu mới có dịp gặp nhau dù vô cùng yêu quý. Chị tặng tôi một đôi dép cao su để đi về vùng lũ. Rồi sáng sớm nay, tôi có hẹn cà phê với một cậu bạn cùng lớp mà tôi rất yêu quý. Hai đứa cứ say sưa chia sẻ những ước mơ, những niềm đam mê, kể cho nhau nghe cả những thử thách trong năm 2020 đầy bất chắc và biến động vừa rồi. Rồi gần trưa là ra dự một triển lãm tranh về đề tài văn hoá dân gian Việt Nam của một hoạ sỹ tài năng, miệt mài lao động nghệ thuật. Say sưa thưởng tranh, chia sẻ những dự định làm gìn giữ di sản văn hoá, phát triển cộng đồng cùng hoạ sỹ và một cô bạn đạo diễn, một nhà phê bình tranh đến lúc xe đến đón mà vẫn chưa muốn rời đi. Một chuyến đi ngắn nhưng đầy yêu thương và tràn ngập những dự định, mơ ước. Cho đến lúc này tôi vẫn đang cảm thấy xúc động bởi những cái ôm ấm áp, tin tưởng, đầy yêu thương từ những người bạn, người anh, người chị của mình. Tôi là một kẻ may mắn vì luôn có những người thương yêu mình như thế, để những ngày cuối của một năm đầy tai ương, mất mát, tôi vẫn đang thấy dào dạt trong mình những niềm vui và hy vọng cho một ngày mai đẹp hơn cho người thân, cho cộng đồng và cho chính mình nữa.


Những tia nắng ấm áp của những đổi thay


Vậy là tôi đã cùng những đồng đội của mình trải qua một hành trình của những “người thợ xây” 7 năm không ngừng nghỉ. Ngày hôm qua tôi cũng được gặp bác Quý - một trong 799 hộ gia đình đã được Nhà Chống Lũ hỗ trợ xây nhà trong chương trình Cất Cánh, bác chia sẻ những đổi thay và niềm tin của mình sau khi có một căn nhà mới. Tôi nhớ như in hình ảnh bác Quý và bác gái hồ hởi chạy ra cổng đón tôi và nhóm Nhà Chống Lũ khi chúng tôi đi khảo sát sau lũ ở miền Trung giữa tháng 11 vừa rồi. Bác đưa tôi vào thăm những căn phòng “chống bão lũ” mà hai bác đã cưu mang những người hàng xóm, bác gái thì kể câu chuyện pha mì gói cho bọn trẻ ăn khi chúng đói. Rồi gia đình bác Thảo cùng thôn với bác Quý thì cũng cho 4 gia đình hàng xóm ở nhờ trong suốt 10 ngày mưa to gió lớn của cơn bão số 9. Đó chỉ là 2 trong số 799 hộ đã được Nhà Chống Lũ hỗ trợ xây nhà, gia đình nào cũng an toàn và rất nhiều trong số họ đã tiếp bước sẻ chia, cưu mang, hỗ trợ những người hàng xóm sau khi đã được cộng đồng chung tay giúp xây nhà. Trong mùa bão lũ vừa qua, họ không chỉ an toàn, họ tự tin, mạnh mẽ, tự chủ và tự hào chia sẻ, giúp đỡ những người chưa được may mắn có nhà an toàn như mình. Những đổi thay này của bà con đối với tôi giống như những tia nắng lấp lánh trong những ngày tháng tưởng chừng không thể ảm đạm hơn của năm nay.


Ngôi làng hạnh phúc đầu tiên


Chúng tôi cứ mải miết và kiên định xây nhà, hết miền Trung, miền Bắc, Nam Trung Bộ, rồi đến Miền Tây. Năm 2016, khi đang bắt đầu triển khai dự án tại một ngôi làng tái định cư của người Khmer ở xã An Thạnh 3, Cù Lao Dung, Sóc Trăng, tôi nhận thấy một điều, có những hộ không quá nghèo, họ có ngôi nhà an toàn, nhưng vẫn bỏ xứ mà đi. Bởi vì, đó chỉ là những cái “xác nhà” nằm trơ trọi trên một khu đồng không mông quạnh khô khốc vì hạn hán, xunh quanh chỉ có cỏ cao ngút đầu người, những con người ở đó chỉ lầm lũi tồn tại, hầu hết đều có nghề “thợ đụng”, tức là đụng ai thuê gì làm đó, họ không gắn kết với nhau, thậm chí quên đi cả tiếng dân tộc của mình, họ chẳng có mong ước gì cho tương lai. Tôi nghĩ, đối với một cộng đồng nghèo, đặc biệt là những làng tái định cư của người thiểu số, giúp xây nhà an toàn thôi không đủ, chính vì vậy, tôi đã viết dự án “Làng Hạnh Phúc” - một phiên bản cao hơn của Nhà Chống Lũ. Có rất nhiều người bạn nghe thấy ý tưởng này của tôi đều cho dự án này là điên rồ, mơ mộng và mông lung quá. Thế nào là “Làng Hạnh Phúc”, rất khó để kết nối mọi người khi họ còn quá nghèo, miếng ăn còn không đủ, và thế nào là hạnh phúc, xây dựng như thế nào, và bao lâu thì xong một dự án...


Tôi cứ lẳng lặng cất ý tưởng đó đi, nhưng vẫn âm thầm làm với cái “mũ” là dự án làm nhà an toàn của chương trình Nhà Chống Lũ, vẫn bắt đầu từ ngôi nhà, một ước mơ cụ thể và thiết thực cho mỗi hộ gia đình, rồi trong đó lồng vào câu chuyện của làng, của cộng đồng, của hạnh phúc.


Với ngôi làng Khmer này, ban đầu, làm nhà an toàn không thôi đã khó, chúng tôi phải kiên nhẫn thuyết phục, động viên các hộ dân xây nhà, thuyết phục họ nói chuyện với mình, tin mình. Rất khó khăn, hơn một năm mới xây được 2 căn nhà, năm tiếp sau chỉ có 6 căn, trong khi ở miền Trung thì... chỉ sợ Nhà Chống Lũ không có ngân sách thôi chứ bà con đăng kí và mong muốn được xây nhà rất nhiều, có xã lên tới vài trăm hộ. Chúng tôi quyết định đi đường vòng, thay đổi cách thức tiếp cận với bà con không bằng từng hộ đơn lẻ nữa. Anh Tuấn, cán bộ phụ trách địa bàn miền Tây của chúng tôi đã lăn lộn sống cùng bà con, rồi anh đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc thi “vườn nhà hạnh phúc” cho cả làng, cuộc thi này dành cả cho các hộ đã tham gia xây nhà với chúng tôi và những hộ chưa tham gia. Ý tưởng của cuộc thi là dự án sẽ cấp vốn cho mỗi hộ 200.000 đồng để họ dọn cỏ và tự do làm một mảnh vườn quanh nhà mình. Gia đình nào được giải sẽ được tặng giống gia súc, cây trồng. Anh Tuấn vừa động viên vừa trực tiếp hướng dẫn, cùng làm với bà con. Thế là chỉ sau vài tháng, cả ngôi làng trở lên xanh tốt, nhà nào cũng có rau ăn, còn trồng hoa, trồng cây ăn trái nữa. Những hộ chưa chung tay xây nhà bắt đầu lần lượt đăng kí được hỗ trợ xây nhà, họ cảm thấy có động lực, và sau gần 4 năm, chúng tôi sắp hoàn thành cả 50 ngôi nhà trong làng, không những thế, giờ đây An Thạnh 3 đã trở thành một ngôi làng đẹp ở xứ Cù Lao này. Quan trọng hơn, bà con đã bắt đầu kết nối, sẻ chia và hỗ trợ nhau.



Tự tin dựng xây những ngôi “Làng Hạnh Phúc”


Có được thành công ban đầu, tuy còn mang tính thử nghiệm, chúng tôi chính thức triển khai dự án Làng Hạnh Phúc tại làng Lâng Loan, xã Trà Giác, huyện Nam Trà My, Quảng Nam và thôn 3 xã Trà Cang, Bắc Trà My, Quảng Nam. Lại là câu chuyện của sự kiên nhẫn, am hiểu và “đặt chân vào giày” của người mà chúng ta giúp đỡ thay vì cứ giúp theo cách ta muốn.


Ý tưởng tổng thể của Làng Hạnh Phúc thì khá “to lớn, bao gồm 3 trụ cột chính: quy hoạch - hạ tầng, kiến trúc - xây dựng, sinh thái - môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi đã mất gần một năm để làm quen, để hiểu bà con, để chỉ làm những việc tưởng chừng như rất bình thường là khuyến khích bà con vào rừng lấy lồ ô về sửa nhà, sửa bếp ... Khó lắm, nội cái việc mời bà con đi họp thôi đã mất hàng tuần thuyết phục, được ngày này thì thiếu người kia, có những buổi chỉ có lẻ tẻ vài người, buồn lắm chứ, thất vọng lắm chứ, nhưng không được phép lùi bước. Rồi sau này, khi bà con bắt đầu hiểu và tin, chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật cho họ, giới thiệu phương pháp “đổi công”, khuyến khích các hộ cùng xúm vào làm cho nhà này rồi lại chuyển sang nhà kia, lần lượt giúp nhau, giảm rất nhiều chi phí thuê mướn nhân công mà còn khiến cho họ gắn bó với nhau hơn. Như trường hợp chị Thanh, chồng mất sớm, tối ngày chỉ rượu, cả tuần sống trên bản mà kiến trúc sư Đinh Bá Vinh cũng không có cơ hội nói chuyện vì lúc nào chị cũng say. Thế rồi chị đã hết say, hết lười, chịu đi vào rừng lấy lồ ô và chuẩn bị sửa nhà của mình.



Có một việc khiến tôi nhớ mãi, tôi lên bản 3 ngày, chúng tôi cùng nhau ở nhờ nhà anh Cư, tôi thấy có một chiếc túi nilon đựng rác thải nhựa treo lủng lẳng ở góc nhà. Hoá ra là các cán bộ của Nhà Chống Lũ mỗi lần lên làm việc, ở nhờ nhà anh, cứ thấy rác thải nhựa, từ bao nilon, vỏ chai lọ, ống thuốc...là nhét vào chiếc túi đó. Lúc đầu, cả nhà anh Cư ai cũng lạ lắm, cứ hỏi các cán bộ dự án, các anh chỉ mỉm cười, không giải thích gì, rồi trên đường về xuôi, các anh mang túi rác ấy đi, ghé qua khu đổ rác gần UBND huyện để vứt, mấy anh thanh niên trong xã chở các anh ra bến xe ở huyện bằng xe gắn máy cũng thấy tò mò. Các gia đình nơi đây cũng chẳng bao giờ quét sân, quét nhà, anh Vinh, anh Kiên tự làm một chiếc chổi rồi cứ sáng sớm ngủ dậy là ra quét sân, bà con thấy lạ đứng xem... Thế rồi dần dần, bây giờ hầu như nhà nào cũng tự đan cho mình những chiếc sọt rác bằng tre, đẹp lắm, không những thế các nhà còn bắt đầu biết phân loại rác nữa, trẻ con thì đã biết quét sân, quét nhà giúp đỡ bố mẹ.


Phục hồi những giá trị văn hoá truyền thống bản địa

Đi khảo sát sau lũ đợt vừa rồi, tôi hạnh phúc lắm khi bà con Bru-Vân Kiều ở xã Mò Ó, Đăkrong, Quảng Trị reo lên vui sướng khi thấy những mô hình nhà theo kiến trúc truyền thống mà các kiến trúc sư của Nhà Chống Lũ đã nghiên cứu phát triển sau gần 7 tháng trời với 4-5 lần lên khảo sát. Bà con tíu tít “Đây mới là nhà kiểu truyền thống này!”. “Đúng rồi, nhà truyền thống đây rồi, đẹp quá!”. “Làm được nhà truyền thống như thế này thì thích lắm”. Bởi hơn chục năm rồi, hiện đại hoá nông thôn với khẩu hiệu “ba cứng” đã làm mất đi những nét kiến trúc truyền thống và cuối cùng chính bà con cũng đã dần quên lãng đi những nét nhà của mình, họ cứ tấm pro xi măng, tôn để làm nhà cho “cứng”, cho nhanh, cho “hiện đại”!!! Và thế là tháng này chúng tôi bắt đầu triển khai làm ngôi Làng Hạnh Phúc mới này, cũng bắt đầu từ những ngôi nhà an toàn, nhưng tự tin làm theo kiến trúc truyền thống, lồng ghép những vật liệu và công nghệ mới, thân thiện, gần gũi với môi trường.



Rồi ở trên Lâng Loan, Nam Trà My, sau hơn một năm sống cùng bà con, cán bộ dự án rủ rỉ khuyến khích bà con đàn hát lại những làn điệu của người Sê Đăng, thế là giờ đây, trong đêm tối, bên những đống lửa bập bùng, đã có những điệu hát, tiếng đàn theo lối cổ truyền. Và rồi, cứ chuyện trò, chia sẻ mới biết, ngày xưa, cách đây hơn chục năm bà con Sê Đăng có nhà cúng (tiếng Sê Đăng gọi là “quất”) - nơi những người trai bản trước khi lấy vợ kéo đến ngủ để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, tập tục, họ cứ truyền cho nhau những kiến thức văn hoá truyền thống từ đời này qua đời khác. Vậy mà bao lâu nay, bà con cũng chẳng còn làm điều đó nữa, thanh niên trong làng cũng tóc xanh, tóc vàng, hát loa kẹo kéo ông ổng những bản nhạc mới, quên dần đi các tập tục của mình... Thế là dự án quyết tâm giúp bà con thiết kế lại nhà cúng truyền thống, rồi khuyến khích cả làng cùng nhau đi phát quang một khu đất lớn, vào rừng cõng vật liệu gỗ, lồ ô, nứa, lá tranh... về để dựng lại một ngôi nhà cúng. Những đứt gãy về văn hoá truyền thống đã được nối liền lại bởi sự nỗ lực của chính bà con, chính quyền với sáng kiến và sự thúc đẩy của Nhà Chống Lũ. Ngắm nhìn nhà cúng mới khánh thành sau cơn bão số 5 vừa rồi, tôi và cả các đồng đội của mình, ai cũng hạnh phúc lắm. Lúc nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của ngôi nhà, tôi đã rưng rưng bật khóc.



Vậy là cùng nhau cộng đồng chúng ta không chỉ hỗ trợ xây những ngôi nhà an toàn mà còn dựng những ngôi Làng Hạnh Phúc trên khắp đất nước này để góp phần phục hồi những giá trị văn hoá truyền thống bản địa và tình đoàn kiến, sự sẻ chia của cộng đồng. Và chính trong năm 2020 đầy biến động, rủi ro và tai ương này, những giá trị ấy bắt đầu tìm được vị trí của nó, con người chúng ta đã hiểu hơn về những hệ giá trị mà tiền bạc hay hiện đại hoá, công nghiệp hoá, và các công nghệ 4.0 hay 5.0 v.v không thể nào mang lại được.



Hãy cùng tôi trở thành những “nhà chống lũ”


Những cơn bão, lũ, sạt lở khủng khiếp trong năm 2020 cùng với đại dịch Covid đã tàn phá và lấy đi rất nhiều tính mạng và của cải vật chất của chúng ta. Cá nhân tôi trong 2 đợt Covid đã đứng ra gây quỹ gần 100 tấn gạo cho người khó khăn ở Sài Gòn, Hà Nội, Hoà Bình, Đà Nẵng và Quảng Nam. Còn đợt lũ bão liên tiếp vừa rồi, chương trình Nhà Chống Lũ cũng đã dồn hết tâm sức để gây quỹ, và tiến hành khảo sát, triển khai xây nhà ngay sau khi lũ rút. Rất nhiều người hỏi tôi, cần phải làm gì để Nhà Chống Lũ có thể gây quỹ được thật nhiều tiền, một hai trăm tỷ, để có thể giúp được nhiều gia đình nghèo hơn sau khi đã chứng minh được hiệu quả rõ ràng rồi. Tôi thì không tự đặt ra cho mình câu hỏi đó bởi với tôi, điều tiên quyết của dự án là tinh thần “chung tay”, và việc phải “đặt chân vào giày”, coi mình như người thân của những gia đình mà chúng ta giúp đỡ. Đó chính là những điều kiện để có những thay đổi về chất mà tôi và Quỹ Sống chú trọng, và đó chính là con người, Quỹ chúng tôi cần có thêm ngày càng nhiều người con người sẵn sàng lăn lộn, đặt hết cái tâm của mình để giải quyết việc của bà con như chính giải quyết việc của gia đình mình vậy. Tiền chưa phải là điều kiện tiên quyết. Khi đã có những mô hình, cách thức tốt, hiệu quả, chúng tôi mong muốn được lan toả ra cộng đồng để tất cả mọi người có thể cùng có thể làm như Nhà Chống Lũ.


Cũng xin chia sẻ là đợt bão lũ vừa qua, ngoài 25 tỷ đã gây quỹ được cho Nhà Chống Lũ, tôi cũng trực tiếp từ chối gần 80 tỷ từ các doanh nghiệp, hiệp hội. Các bạn sẽ hỏi tôi tại sao Nhà Chống Lũ lại từ chối khi sứ mệnh của mình là đi xây nhà an toàn giúp bà con. Tôi cần phải chia sẻ thêm như thế này, tôi phát triển chương trình Nhà Chống Lũ và cả Quỹ Sống không phải theo phương thức từ thiện, chúng tôi làm phát triển cộng đồng trong đó người nhận phải là người chủ động thiết kế (co-design), đóng góp (co-financing) và xây ngôi nhà của mình (co-construction). Chính nhờ có sự “chung tay” đó mà chúng ta đã có gia đình bác Quý và 798 hộ gia đình khác không những kiêu hãnh, tự tin vượt qua bão lũ mà còn sẵn sàng giúp những người hàng xóm của mình. Gần 80 tỷ muốn đóng góp cho Nhà Chống Lũ trong những ngày tháng nước sôi lửa bỏng vừa rồi, một số yêu cầu tặng các hộ dân 100%, không cần chung tay, một số mong muốn có biển ghi logo của họ trên các ngôi nhà, số còn lại muốn phải giải ngân ngay và luôn, muộn nhất trong năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi không tặng nhà tình thương, chúng tôi chỉ hỗ trợ để người dân tự vươn lên, chúng tôi muốn phát triển cộng đồng, muốn sự đổi thay cả cách cho và cách nhận vì vậy chúng tôi không thể chạy theo số lượng và tốc độ. Và thêm một điều nữa, tôi quan niệm rằng thay vì Nhà Chống Lũ xây tăng lên 200 hay 250 hay 300 căn nhà/năm, chúng tôi mong có 10, 20 hay hàng trăm nhóm Nhà Chống Lũ cùng đi xây nhà. Chính vì lí do đó, mà chúng tôi đã xây dựng và xuất bản online cuốn Cẩm nang Nhà an toàn bao gồm 10 mô hình nhà áp dụng cho các vùng địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, các loại hình lũ, bão, sạt lở khác nhau, và công bố rộng rãi trên website www.song.org.vn của chúng tôi để tất cả mọi người có thể tham khảo.


Là một “người thợ xây”, tôi mong muốn và kêu gọi các bạn, các nhóm thiện nguyện, các công ty, các tổ chức hãy cùng tôi trở thành “nhà chống lũ”. Nhà ở đây không phải chỉ ngôi nhà vật chất, mà là danh từ chỉ người, giống như nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch... Quỹ Sống sẵn sàng tặng các mô hình nhà an toàn và hỗ trợ kỹ thuật miễn phí để các bạn có thể chủ động tự đi giúp cho những hộ nghèo xây nhà trên khắp Việt Nam.


Bạn cũng muốn luôn hạnh phúc như tôi, xin hãy cùng tôi trở thành những “nhà chống lũ”!

Related Posts

See All

Komentarze


bottom of page