top of page

Jang Kều: Người phụ nữ mơ mộng, dốc sức làm những điều viển vông

Updated: Oct 13, 2021

Cách Jang Kều nói về những dự án cộng đồng của mình cũng đầy say mê và hào hứng như cách một nghệ sĩ kể về quá trình thực hiện một album nhạc rất mực tâm huyết.


Tôi đã nghe rất nhiều về dự án “Nhà chống lũ”, về quỹ “Sống”, về những điều mà chị cùng cộng sự của mình đã làm trong những năm qua. Khoảnh khắc đặc biệt nhất mà chị từng có trong suốt hành trình đó là gì?


Có lẽ là khi tôi quyết định phát triển dự án “Nhà chống lũ”, và người mang đến khoảnh khắc ấy chính là con trai Taka của tôi. Việc nuôi dạy cậu con trai tự kỉ từng khiến tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi luôn phán xét, chỉ trích con, cho rằng những điều con làm là vô vị. Lúc đó, tôi nghĩ người cần thay đổi là con chứ không phải là mình. Trong một thời gian dài, cả hai mẹ con cùng rất căng thẳng.


Vào một buổi chiều, tôi quyết định tạm bỏ qua mọi lo lắng về con, tận hưởng chút niềm vui khi được nhận một bó hoa đẹp và trò chuyện cùng một người bạn đã lâu không gặp. Trong một thoáng đưa mắt nhìn, tôi thấy con đang ngồi bên khung cửa, tay đang cố nhặt những sợi nắng. Nếu là thường ngày, tôi sẽ nghĩ đó là một hành động vô nghĩa, nhưng với tâm trạng thoải mái hôm đó, tôi thấy hành động đó thật đẹp. Tôi và bạn cùng thốt lên: “Taka đang nhặt nắng kìa”.


Có thể so sánh như thế này: cả thế giới này ai cũng là hình vuông, nhưng những người đặc biệt lại là hình tròn. Nếu hình tròn bị bắt ép nhét vào hình vuông, hình tròn sẽ méo mó, vỡ vụn. Chính lúc đó, tôi hiểu rằng bản thân mình, Taka hay bất kỳ ai chỉ có thể sống hạnh phúc khi được làm những điều mình muốn. Điều tôi muốn là được giúp đỡ những người dân nghèo ở các miền quê xa xôi hẻo lánh. Tôi quyết định tặng bớt cho bạn bè những công ty mình đang điều hành như sản xuất truyền hình, thiết kế in ấn, tổ chức sự kiện, chỉ giữ lại công ty G’Brand chuyên về tư vấn chiến lược & sáng tạo và nhóm công ty GroupG Asia Pacific chuyên về công nghệ và thương mại để có thời gian thực hiện dự án “Nhà chống lũ”.

Vậy, có thể xem Taka là người đã góp công lớn trong việc khởi xướng dự án “Nhà chống lũ” nhỉ!

Có thể nói như vậy, “Nhà chống lũ” ra đời sau khoảnh khắc Taka nhặt nắng. Nghe thì không logic nhưng lý do ấy rất thật. Ý nghĩ giúp đỡ những người nghèo luôn là một bản năng trong tôi, nhưng chỉ khi tôi nhìn được vẻ đẹp của những điều đơn giản nhất, học cách không phán xét người khác, không thấy điều họ làm là ngớ ngẩn, biết tôn trọng điều khác biệt ở mỗi con người thì dự án “Nhà chống lũ” mới thực sự được khởi động. Nói đúng hơn là nếu không có Taka, “Nhà chống lũ” sẽ được triển khai theo một cách khác.

Là cách gì?

Là giống như cách các đoàn cứu trợ khác đang làm từ thiện. Đi từ thiện, chúng ta luôn ở trong tâm thế đi cho, mang những điều mình có đến cho người khác. Cách làm này đã dẫn đến tâm lý ỷ lại, phụ thuộc của người nhận. Họ chỉ chờ đến mùa lũ để trèo lên cây, lên mái nhà và chờ đợi sự giúp đỡ. Tiền cứu trợ được dùng để tiêu xài, uống rượu, hết tiền họ lại chờ cơn lũ khác. Giúp đỡ bằng vật chất cũng là thiện chí, nhưng để thay đổi xã hội một cách bền vững, ta cần đánh vào nhận thức. Phải làm sao cho những người khó khăn có được sự tự hào, tự trọng, tự tôn, tự chủ, tự lập. Với những chữ “tự” ấy, cuộc sống của họ và những thế hệ sau đó mới thay đổi được.

Điều khác biệt của “Nhà chống lũ” là chúng tôi giúp người dân làm nhà, nhưng họ phải đóng góp ít nhất 50% chi phí xây dựng và họ phải tham gia vào thiết kế căn nhà của mình. . Kiến trúc sư của dự án cần đảm bảo thiết kế ấy phải an toàn, dễ mở rộng công năng, tiết kiệm chi phí xây dựng cho ngôi nhà trong tương lai. Một cụ già chỉ có vỏn vẹn 20.000 đồng trong túi, việc xây được một căn nhà nghe như một chuyện không tưởng. Nhưng chúng tôi vận động cụ bán đi những thứ xung quanh, vay mượn thêm họ hàng. 20.000 đồng biến thành 25 triệu đồng, số tiền bà không bao giờ nghĩ mình sẽ có, cộng với phần hỗ trợ 25 triệu từ dự án, thế là có căn nhà tươm tất.


À, tôi bổ sung thêm một chữ “tự” nhé! Đó là tự sướng, khi họ hạnh phúc với chính căn nhà mình thiết kế và tự hào khoe: “Cửa sổ hình tròn do tôi nghĩ ra này”, “Màu sơn tím này tôi chọn mãi mới được đấy”. Cái nhà đó do họ xây nên, và điều mà chúng tôi làm là trao cho họ quyền được làm chủ cuộc đời mình.


Chị từng chia sẻ rằng bản năng của chị là giúp đỡ người khác, tôi có thể nghe thêm một vài câu chuyện khác của chị trước khi “Nhà chống lũ” ra đời không?

Bản năng này xuất phát từ ngày bé, những ngày tôi thích đóng vai “chủ tướng”, thích chịu trách nhiệm với bạn bè mình. Có lần tôi dẫn đám bạn hàng xóm của mình đi chơi, đến khi đi quá xa và bị lạc, cả lũ lại đói rã rời vì lúc ấy đã quá giờ trưa, tôi đã lấy luôn đôi dép nhựa mình mới được mua, đổi kem và bánh mì để cả bọn cùng ăn cho đỡ đói còn kiếm đường về. Học đại học, tôi làm gia sư cho người nước ngoài, mở trung tâm gia sư, trung tâm khiêu vũ, trung tâm ngoại ngữ, tiền kiếm được lại dùng để đóng học cho mình và những bạn ở xa lên Hà Nội học.


Từ cô bé thích làm chủ tướng đến một người phụ nữ thành lập các dự án giúp đỡ và phát triển cộng đồng, có điều gì giống và khác nhau ở hai con người đó?

Tôi nghĩ không có gì khác nhau cả. Bản thân tôi hiện tại chính là sự phản chiếu của chính mình hồi nhỏ. Tôi luôn tâm niệm mình phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, tôi vẫn thích rủ rê mọi người cùng mình thực hiện những ước mơ thật viển vông, như “Nhà chống lũ”, Làng hạnh phúc hoặc dự án khuyến khích trồng cây và kết nối với thiên nhiên mang tên Hạnh Phúc Xanh và hiện nay đang là Forest Symphony.

Những dự án đó đã có kết quả thực tế, tại sao chị lại cho rằng chúng là viển vông?

Vì rất khó để hoàn thành mục tiêu đề ra. 700 căn nhà là con số cao mà chúng tôi nỗ lực hết mình trong 5 năm không là con số lẻ của hàng nghìn căn nhà bị thiệt hại mỗi mùa lũ. Dự án “Hạnh phúc xanh” gặp rất nhiều trở ngại từ trở ngại từ một số người trong chính quyền – những người mang tư duy vụ lợi không nhìn thấy lợi ích cá nhân trong dự án của chúng tôi. Hay việc giữ được niềm tin của những cộng sự bên cạnh tôi – những người thừa nhiệt huyết nhưng không đủ kiên nhẫn khi chứng kiến sự ích kỉ, vụ lợi của các cán bộ trong bộ máy đó.

Nhưng có viển vông hay không, phải bắt tay làm thì mới biết được. Ít nhất tôi tin những dự án của chúng tôi có sức lan tỏa rất lớn. Một người sau khi được giúp đỡ xây nhà đã trở thành cộng tác viên chèo thuyền đưa chúng tôi vào những vùng lũ khó tiếp cận. Hay những gia đình nghèo đã tặng cho hàng xóm mình một cặp dê con từ đôi dê chúng tôi tặng làm sinh kế mới. Cuối cùng thì điều chúng tôi muốn đã làm được rồi, chính là cả cộng đồng chung tay nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị nhân văn.


Là chủ tịch của một tập đoàn tư vấn và kinh doanh, thực hiện các dự án cộng đồng, chị làm thế nào để có thể làm tốt công việc và dành thời gian ở bên Taka?

Tôi luôn dành thời gian lên kế hoạch dài hơi cho từng công việc và suy nghĩ thật thấu đáo. Phải tập trung và thực sự dành cả trái tim khi giải quyết công việc, chứ đừng nghĩ rằng mình bận nên chẳng làm được gì.


Một tính cách đặc biệt trong con người chị?

Mặc dù suy nghĩ già trước tuổi nhưng bên trong con người tôi vẫn luôn có một tâm hồn rất trẻ con. Nhiều khi cuộc họp đang căng thẳng, tôi lại ồ lên: “Nắng đẹp quá kìa”, mọi người ngẩn ra, không khí nghiêm trọng tự nhiên biến mất. Hoặc tôi có thể chạy ngay ra sân nhặt một chiếc lá mới rụng, bất chấp những ánh nhìn kỳ quặc đổ về phía mình.

Chị có thấy mình là một người phụ nữ lạ lùng không?

Tôi vẫn biết là như vậy. Tôi có những rung cảm đặc biệt trước những cái đẹp nhỏ nhoi nhất của thiên nhiên. Điều đó khiến bản thân tôi và cả những người xung quanh đều được vui hơn trước những lo lắng của cuộc sống thường ngày.


Cảm ơn chị!

Hạnh Nguyên - Tạp chí Đẹp | 09/05/2019 | 11:00


Related Posts

See All

Comments


bottom of page