(Viết tiếp bài “Sống nhàn khó thật!”)
Ở những buổi yoga đầu tiên, cô giáo hướng dẫn tôi tập thở. Tôi nhớ câu quan trọng nhất là “Nhẹ như hơi thở”. Tôi cứ nghĩ ngợi mãi về câu nói này. Hơi thở quan trọng nhất, vậy mà nó chỉ nhẹ, nhẹ như không, nhiều khi ta chẳng nghe thấy hơi thở của người đối diện, và cũng chẳng để ý hơi thở của mình. Cuộc sống cũng vậy, biết bao điều quan trọng và ý nghĩa nhất mà ta chẳng để tâm.
Ta sẽ thường để tâm khi đó là những thứ hữu hình, có giá trị vật chất.
Ta sẽ thường để tâm khi liên quan đến quyền lợi của mình, của gia đình mình.
Ta sẽ thường để tâm nếu đó là câu chuyện của những người nổi tiếng, showbiz, KOLs, nhất là những chuyện giật gân, xàm xí.
Thế nhưng hơi thở của mình ít người để ý, cho đến khi gặp những vấn đề về sức khoẻ.
Và càng ít, rất ít người, quan tâm đến hơi thở của thiên nhiên, là điều kiện để có không khí sạch, cho đến khi mình nhiễm bệnh, và bác sĩ nói nguyên nhân của bệnh là do ô nhiễm không khí gây ra.
Ta cũng chẳng để ý khi có những người chặt phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi.
Ta cũng chẳng để ý khi có những doanh nghiệp hay cá nhân xả thải ra sông, hồ, biển.
Ta cũng chẳng để ý một khu vực trồng lúa hay những hồ, ao, sông bị san lấp, lấn chiếm để làm khu đô thị.
Ta cũng chẳng để ý nếu một ngọn núi bị san phẳng để xây lên những công trình.
Ta cũng chẳng để ý khi người ta “hạ giải” các di sản văn hoá để xây những “di sản mới to đẹp, hiện đại hơn”.
Tất cả những điều ấy không cần phải được để tâm vì đâu có liên quan đến quyền lợi của mình, hoặc có tác động ngay lập tức đến sức khoẻ của mình.
Nhưng có những người, họ không sống chỉ vì mình và gia đình mình.
Họ quan tâm đến những lợi ích và giá trị chung của cả cộng đồng.
Họ muốn bảo vệ không khí, bảo vệ ao, hồ, sông, biển, bảo vệ những cánh rừng, ngọn núi.
Họ muốn bảo vệ những loài động vật hoang dã.
Họ muốn hỗ trợ những người nghèo có nhà an toàn và được nâng cao năng lực để hướng đến tương lai…
Họ dành rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí cả cuộc sống của mình vì những mong muốn ấy.
Họ có thể tự mình làm, tổ chức thành các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, các doanh nghiệp xã hội…
Họ làm những điều ấy một cách thầm lặng và kiên nhẫn, ngày này qua tháng khác, nhẹ như hơi thở.
Và có rất nhiều người trong số ấy đã phải dừng bước trong những năm gần đây.
Hoặc họ bị bắt giữ vì đủ các ‘lí do’ khác nhau, hoặc họ bị đe doạ đến mức phải tự đóng cửa và dừng bước.
Nhiều người trong số họ hiện nay đã phải lựa chọn “không-làm-gì-cả” để được “bình an” và cố gắng nhắm mắt, coi như không nhìn thấy “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Tôi biết “không-làm-gì-cả” khó lắm. Tôi đã thử 2 tuần “sống nhàn” ở Hà Nội, chỉ ăn, đi chơi, thăm thú và ở trong một khách sạn 5 sao. Rất rất khó. Có những điều ta đau đáu, thấy ý nghĩa hơn cả tiền bạc, vật chất, quyền lực. Những điều ấy nhẹ như hơi thở, nhưng cũng quan trọng như hơi thở.
Tôi trở về quan sát hơi thở của mình và học cách thở. Có một cách thở có cái tên rất hay: thở xả (cleansing breath). Lúc học cô giáo bảo tôi lúc thở ra hãy nghĩ đến những ưu phiền, vướng bận để xả hết đi. Và lúc đó tôi nhớ đến những người bạn đã dừng bước hoặc đang bị dừng bước. Tôi muốn xả hết đi những nỗi buồn ấy như cách cô đã hướng dẫn.
Có vẻ như bài tập “thở xả” này tôi cần phải rèn luyện rất nhiều. Để một ngày tôi có thể thở “nhẹ như hơi thở” khi nghĩ về bất cứ điều gì.
Comments