Tôi đã chuyển từ đi học mầm non sang … đi chợ với bà ngoại mà không có sự lựa chọn nào khác vì hàng ngày tất cả bọn trẻ con đều đi đến lớp. Còn mỗi tôi chơ vơ mà đã “gây gổ” với cô giáo rồi thì không thể đi học được nữa. Thêm nữa, bà ngoại cũng chả muốn tôi tiếp tục đi học với những cô giáo mà bà cho là “rất phản giáo dục”. Từ nhà bà ngoại tôi đến chợ cũng phải mấy cây số, tôi không thể nào đi bộ xa như thế cùng với bà được. Thế là bà nghĩ ra “sáng kiến” để tôi vào một bên gánh, và bên kia là 1 can nước mắm, 1 can dấm, miến, mì khô, mì chính, hạt tiêu, diêm, hương vòng, hương thẻ, đường phèn… Ngoại cứ để làm sao cho hai bên cân bằng để gánh không bị lệch. Đôi khi tôi phải ôm thêm 1 túi mì chính hay 1 cái gì đó để …cân với số cân nặng bên thúng kia. Thật tuyệt vời, tôi ngồi trong thúng hát véo von khi bà hàng ngày đến chợ. Thông thường thì bà ngoại toàn đi đường đê ra chợ, trừ những lúc bà bị hết hàng phải đi tắt qua cánh đồng về nhà lấy thêm hàng. Sau khi bán xong thì hàng hóa đã nhẹ đi, tôi không được ngồi ở thúng nữa vì sẽ… tùng bê. Tôi phải xuống chạy bộ, cứ được một đoạn lại dừng lại nghỉ. Hoặc có hôm bà gửi một bác hàng xóm nào đi chợ bằng xe đạp chở tôi về trước.
Ở chợ, tôi thấy cực kì thú vị, được gặp bao nhiêu người lớn, và cả các em bé nữa (vì có một số cô vác cả con ra chợ chơi), được biết bao nhiêu mặt hàng, giá cả, được hiểu lí do vì sao bà này bán hết hàng, cô kia hay bị ế hàng. Và hơn hết, ở chợ được… ăn quà vặt suốt ngày. Từ mấy quả ổi, đến kem bông, đến bánh rán, kẹo dồi, bánh đúc, bún lá ăn với mắm… tôi không thể nào nhớ hết có bao nhiêu loại. Thật sự tôi thấy hạnh phúc không thể nào tả nổi với cuộc sống…ở chợ. Ngày nào tôi cũng háo hức được đi chợ, đôi khi đến 3h, phải về rồi mà tôi còn thấy… hụt hẫng vì về… sớm quá. Sao tôi lại thích đi chợ thế nhỉ?
Và tôi đã khám phá ra lí do xâu xa nhất mà tôi thích đi chợ là tôi thích bán hàng, thích giúp bà tôi bán hàng bằng “năng khiếu nói và hát múa tàm tạm” của mình.
Số là bà ngoại tôi bán hàng khô, từ mắm muối, dấm tỏi, tương, miến, mì chính, hạt tiêu, hương vòng, tiền vàng, diêm, bật lửa, thuốc lá… Có khoảng mấy chục món hàng mà Ngoại bán. Và sạp hàng của Ngoại tôi bao giờ cũng bán hàng rất nhanh, thậm chí có một mặt hàng “chủ lực” là nước mắm thì bán giá vừa đắt nhất chợ nhưng khi nào cũng ở trong trạng thái thiếu hàng, người mua đôi khi phải dặn trước hoặc phải gửi chai trước để “xí” phần. Chuyện tại sao nước mắm bán giá cao mà vẫn “đắt như tôm tươi”, tôi sẽ kể chi tiết sau, nhưng chuyện những mặt hàng khác, cùng loại với các sạp hàng khác (có khoảng 20 sạp hàng tương tự ở chợ), bán giá như các “đối thủ” mà bà tôi vẫn bán chạy ầm ầm là bởi vì những “chiêu trò” của tôi, mà sau này lớn lên tôi mới hiểu ra đó chính là marketing.
Trở lại chuyện tôi bị “thất học bất đắc dĩ” nên đã “gia nhập” thế giới “chợ búa” quá sớm. Mà tôi thì rất thích được sống trong cái thế giới này. Do vậy, dù tôi đã được mẹ đón lên Hà Nội từ năm 5 tuổi để đi học sớm 1 năm, đến khi tôi học hết lớp 12, tôi vẫn luôn về bán hàng giúp bà ngoại trong dịp Tết hoặc dịp nghỉ hè. Hồi xưa, nghỉ hè là được “hưởng thụ” đầy đủ 3 tháng chứ không giống tụi trẻ con bây giờ có khi chỉ được vài ngày, rồi lại cắm mặt vào học thêm, học nếm, tham gia lớp năng khiếu này, lớp tài năng nọ. Còn tụi tôi thời đó, nghỉ hè là nghỉ hè, đến đúng mùng 5 tháng 9 mới đi học. Và tôi thường nghỉ một mạch từ sau khi nhận kết quả tổng kết cuối năm vào cuối tháng 5 đến đúng ngày khai trường mới lên Hà Nội. Cứ mỗi năm, tôi lại có 3 tháng hè và mấy tuần Tết để “tu luyện chuyên môn” bán hàng. Cứ thế lặp đi lặp lại đến hết lớp 9, chỉ riêng lên cấp 3 đi học trường chuyên nội trú và ôn thi Đại học tôi mới thôi “chương trình chuyên môn” 3 tháng hè ở chợ quê, chỉ còn theo chương trình “bán Tết” mà thôi.
Lúc đầu tôi chưa được tin tưởng giao cho túi tiền để bán hàng trực tiếp mà chỉ ngồi bên cạnh bà thôi. Tôi thấy bà rất mất thời gian trả lại tiền lẻ cho khách mỗi khi họ mua một món hàng nào đó. Và tôi đã thấy tính quy luật khi khách mua 1 hộp hương vòng (để thắp hương) thì số tiền lẻ thừa đủ mua 1 hộp diêm nhỏ. Vì vậy tôi luôn chuẩn bị sẵn 1 hộp diêm nhỏ khi có người vào mua hộp hương vòng và nói “Bác ơi, bác lấy luôn giúp bà ngoại cháu 1 hộp diêm đi, đằng nào bác chả phải mua diêm khi thắp hương. Bác mà có diêm rồi thì cứ lấy thêm vì diêm có thể đề giành lúc nào dùng cũng được mà”. Vậy là đa số đều lấy thêm hộp diêm mà không lấy tiền trả lại do tiện dụng và cũng là do…con bé Hà Nội mặc váy xinh xắn nói rất nhẹ nhàng và lễ phép. Rồi khi khách mua 1 “hiêu” (1 hiêu bằng 1/4 của lít theo cách gọi ở quê tôi) nước mắm, thì số tiền lẻ phải trả lại có thể bằng giá trị của 1 gói hạt tiêu. (Ở quê tôi, người ta ít mua theo lạng, theo gói to mà thường mua vài đồng hạt tiêu, nên người bán thường gói bằng giấy báo. Và 1 gói giấy bằng 3 ngón tay trẻ em là đơn vị nhỏ nhất ở chợ thường hay mua bán hạt tiêu)… Thậm chí tôi luôn luôn hái doi, ổi hay dâu da xoan, quất hồng bì…để mang đến chợ. Nếu không có gì phù hợp để bán kèm thì tôi…trả lại tiền thừa bằng vài quả roi, trái ổi…
Ngoài ra, tôi còn sẵn sàng đứng dậy nhún nhảy đọc một bài thơ, hay hát một bài hoặc múa nữa nếu có cô chú nào mua hàng nhiều cho bà mà đề nghị tôi “biểu diễn”. Tôi chả thấy xấu hổ gì, đứng xuống trước sạp hàng múa hát um tùm cả lên để “khuyến mãi” cho khách hàng lớn hoặc khách hàng quen của bà ngoại. Cứ bằng chiêu thức này, tôi bán được rất nhiều hàng cho bà, và “doanh thu” mỗi ngày của sạp hàng bà ngoại tôi luôn là “vô địch” ở chợ Váu. Tôi rất “khoái chí” vì đóng góp của mình cho “thành công” này. Lâu dần, tôi được “thăng chức” lên bán hàng trực tiếp, bà chỉ ngồi bên cạnh để giúp tôi rót hay bọc hàng. Thậm chí có khi bà còn bỏ sạp để tôi bán một mình để đi lại loanh quanh “buôn bán” với mấy bà bạn ở chợ.
Thật ra thì tôi cũng không phải làm “miễn phí” cho bà ngoại đâu, tôi được “trả công” đàng hoàng. Ví dụ một ngày đi chợ tôi được ăn quà rất nhiều mà còn được trả vài đồng để tôi cất vào “con lợn đất”. Đôi khi tôi còn được thưởng vì những “thành tựu lớn lao” về “doanh thu” nữa. Kết cục là tôi luôn có rất nhiều tiền mà ít cơ hội tiêu tiền lắm. Chỉ đến khi tôi về Hà Nội đi học tiếp, bọn bạn bè thường rất khâm phục và ngưỡng mộ tôi vì tôi quá “giàu có” so với tụi nó. Tôi thích thì có thể mua 10 quả me chín, 10 cái bánh quế kẹp nha, 5 cái nhãn vở…mà không phải suy nghĩ. Và quan trọng hơn là…chả phải xin tiền bố mẹ. Thật “oai phong lẫm liệt” so với bạn bè cùng lứa!
JK
(“Chương 5: Lớp học “bất đắc dĩ” & những “chiêu thức” quảng cáo” - Tuổi thơ ơi, hãy trở lại đi)
Comments