Lên thành phố, nhưng sống ở ngoại ô, nên tôi vẫn được anh trai và bố bù đắp bằng việc được chơi rất nhiều trò chơi của nông thôn, vẫn thả diều, chơi quay, chơi ống phốc, chơi truyền, tắm ao… Trường cấp 1 tôi học lại nằm sát đê sông Đuống nữa nên tôi không thấy cảnh vật xunh quanh khô cứng lắm. Có điều…tôi không thích ngôi nhà của gia đình tôi ở Hà Nội. Hồi tôi học cấp 1, bố mẹ tôi xây một căn nhà ba gian, 1 thò 2 thụt có một hàng hiên phía trước trong cùng một khu đất với nhà của ông nội. Đó là một khu đất rộng gần 500m2 xum xuê hoa trái vì ông nội tôi rất giỏi trồng cây. Nhà tôi không thiếu một thứ gì từ roi, bưởi, nhãn, ổi, na, trứng gà, quất hồng bì, dâu da xoan, hồng xiêm, chanh, dâu, cam…, cả những loại quả đặc trưng Nam bộ như xoài và dừa nhà tôi cũng có. Rồi nhà tôi còn có một cây bồ hòn, loại dùng quả để làm xà bông ý. Hoa thì cũng vô số, đặc biệt là những khóm quỳnh giao, hồng, nhài… Rau thì như tôi kể lúc trước, ông tôi chuyên trồng dọc mùng, mùi tàu, ngoài ra, có thêm ít rau thơm và rau muống. Đại loại là tôi vẫn sống trong một thế giới đầy cây xanh, ấm áp và an lành, trong một thị trấn nhỏ, gần một ga tàu khá lớn.
Nhưng, chính là những ngôi nhà, cả nhà nhà tôi và nhà quanh khu vực tôi sống đều…không đẹp trong mắt tôi, hay nói đúng hơn là tôi thấy rất xấu, càng nhà to, nhà mới, càng xấu hơn. Nhà của ông nội tôi là bốn gian quay dọc chiều đất, ba gian phòng khách và một gian buồng, nhà xây bằng gạch, hiên rất rộng, ông tôi thường hay phơi hoa quả hay mây tre nứa ở dọc hiên. Nhà tôi ở quay ngang, áp lưng ra mặt ngõ, xây bằng gạch xỉ. Cả hai ngôi nhà đều lợp ngói và đều xây rất cao so với mặt đất, tôi nhớ là đều có ba bậc trước thềm. Nhà tôi có nền xi măng đánh bóng màu xám. Căn nhà này được bác Thìn ở quê ra xây giúp bố mẹ tôi, bố mẹ tôi rất tự hào về ngôi nhà vì đó là sức lực bao năm đi làm và tiền bà ngoại bán hàng gửi lên hỗ trợ. Nhưng với tôi nó xấu hơn rất nhiều so với căn nhà bà ngoại dù nhà bà ngoại cũ ơi là cũ!
Nhà bà ngoại.
Đó là căn nhà ngói dẹt bốn gian, ba gian chính có bàn thờ ở giữa, mỗi gian ở bên có một cái giường để sát ngay bàn thờ, và một gian đầu hồi bên trái ngăn đôi làm bếp và buồng, thực ra là một cái kho lương thực và trữ đồ lặt vặt. Gian bếp có trổ cửa ra hiên. Nhà bà tôi rất là hay vì có nền đất, nền không phẳng đâu mà cứ gồ lên những miếng nhỏ nhẵn thín như những quả đồi thấp, bé khoảng hai đến ba cen-ti-mét thôi. Bà tôi bảo gọi là nền nhà vẩy rồng. Tôi thấy ở quanh vùng nhà bà, những ngôi nhà đất cổ xưa thường có nền đất như vậy. Tôi rất thích được bà trải chiếu cho xuống đất nằm ngủ vào mùa hè, mát lắm, lại không bị đau lưng như nằm đệm bây giờ. Mùa đông căn nhà rất ấm áp. Hồi đó tôi không hiểu tại sao, cứ hỏi bà, bà bảo đó là điều hoà thiên nhiên đấy, bà bảo cháu nên đi chân đất trong nhà, sẽ khoẻ hơn đấy. Nói thế thôi, chứ mùa đông thì bà bắt tôi phải ngủ trên giường, và bà thường làm nệm bằng rơm dày hai mươi phân, ấm ơi là ấm, và lại còn thơm mùi lúa nữa. Bà thường chọn lúa nếp để đan nệm, cho nên khi nằm ngủ thấy êm ái, thơm mát, dịu dàng lắm, giống như mùi cốm ở Hà Nội ý, mà còn hay hơn nhiều, rất dễ chịu. Ngồi viết lại thế này mà tôi đã tưởng tượng ra cái mùi thơm của ngày xưa, rất tuyệt. Tôi thích mùi của nhà quê vì bà ngoại luôn tạo ra những hương vị nhà quê thơm ngọt ngào cho tôi, từ mùi cây mùi khô ngâm nước nóng để tắm cho tôi, đến mùi nước ngâm vỏ bưởi, hương nhu cho tôi gội đầu, mùi rơm, mùi cỏ khô mà bà tôi làm nệm trong gối. Phải nói tuổi thơ của tôi rất là “vương giả” và hạnh phúc.
Quay trở lại nói chuyện căn nhà. Nhà bà tôi khá thấp, nhưng dáng rất là đẹp, đầu hồi có 2 lỗ thông hơi làm hình mặt trăng có những cái nan nho nhỏ, nhà thấp bằng vườn thôi. Nhưng nhà có vách cửa thấp khoảng 30 cm ở cả 3 khung cửa ngăn cách với bên ngoài, khi vào nhà phải bước qua cái vách và hơi khom lưng lại. Tấm vách giúp cho trời mưa nước không tràn vào nhà và cái hay là “khi vào nhà ai chơi, mình bước qua tấm vách cửa, mình ý thức được vào thăm nhà khác, phải cúi mình xuống mới bước được qua, như thế là tỏ lòng kính trọng và khiêm nhường trước chủ nhà” như bà tôi giải thích. Và bà còn nói, nếu nhà nào không xây cả 3 tấm vách cửa thì luôn có một tấm ở cửa gian giữa vì gian giữa bao giờ cũng là gian thờ, chỉ có giường thờ (bàn thờ, theo cách gọi của bà tôi) hoặc là có cả bàn thờ và bàn cao uống nước, như vậy mình phải cúi đầu, vì đi vào chỗ có bàn thờ phải kính cẩn, giữ ý. Bà còn nói “khi con ra đình, dù không có tấm vách cửa thì con cũng phải cúi đầu, đi từ tốn chứ đừng đi sộc thẳng vào nhé”.
Hoá ra là cha ông ta thông qua nét kiến trúc của những căn nhà để dạy cho chúng ta những cách ứng xử, cách dạy đó hay mà chúng ta “bị” ngấm từ lúc nào không biết. Rồi hai cái giường để ở hai gian hai bên giường thờ, đều có tấm rèm che để giữ cho khu vực thờ tự được trang nghiêm khi có người lên giường ngủ. Nhà bà tôi có 2 cột gỗ rất rất to ở hai bên đầu gian thờ, ngay giữa nhà. Có một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng ở phía trên nối qua 2 cột. Dọc 2 cột là 2 câu đối viết bằng chữ nho mà tôi nhớ mang máng một câu bà tôi dạy đọc là “Nhất mạch tổ tông trường ngưỡng chỉ” và một câu là “Bách liên chi phái…”. Tôi không nhớ chính xác nữa nhưng bức hoành phi và hai câu đối phải nói là rất đẹp dù đã cũ lắm rồi, màu đỏ nâu thắm sơn rất dày, có chỗ bị tróc, chữ thì thiếp vàng nổi lên, vàng cũ cũ màu thời gian rất tình cảm chứ không phải vàng choé lấp lánh như những bộ người ta bán thời nay. Có hai giường thờ, một giường thờ phía trong có ngai nho nhỏ, hai tay hai bên như ngai vàng, trên để một bát hương, giường thờ bên ngoài để bát hương rất là to bằng xứ hình tròn cong cong như nửa quả trứng, có chân bằng gỗ sơn mài màu nâu đen. Xunh quanh có những lọ hoa và chân đèn bằng gỗ, rất cao và đẹp. Ngăn giữa hai bàn thờ có tấm rèm bà tôi hay buộc rẽ về hai bên. Tôi thấy khu thờ cúng của nhà bà ngoại đẹp lắm ý. Và tôi lãnh nhiệm vụ lau chùi bàn thờ mỗi ngày, nhưng không được động đến các bát hương. Bà tôi bảo chỉ động vào bát hương khi hoá vàng vào dịp Tết thôi.
Gian bên phải nhà bà tôi là một bộ bàn ghế gỗ, một ghế băng dài có lưng tựa ở một bên và hai ghế đơn ở phía còn lại. Bộ bàn ghế này cũ lắm rồi, nên có màu đen kịt, rồi bàn gỗ nhỏ để giỏ ấm tích đan bằng tre, bình vôi và bát đồng đựng trầu cau có nắp ở bên, bộ ấm chén nhỏ rất là xinh xắn. Mọi thứ trong căn nhà của bà tôi nhớ như in vì tất cả đều quá đẹp trong mắt tôi.
Ở ngoài hiên thì có nhưng tấm liếp đan bằng tre, khi mùa hè có thể chống lên để chắn nắng và lấy thêm nhiều gió mát, mùa đông thì đóng xuống cho ấm. Thật ra mùa hè, bà cháu tôi thi thoảng lại trải chiếu nằm ở ngoài hiên khi trời nóng quá mà bị mất điện. Vì thời đó bà sẽ quạt cho tôi cả đêm bằng chiếc quạt nan to đùng nên tôi vẫn thấy mùa hè ở quê ngoại rất là mát mẻ chứ không nóng bức như ở trên Hà Nội nhà tôi. Các tấm liếp ngoài hiên còn bao nhiêu tác dụng khác, ví như là nơi hai bà cháu tôi “gửi thư” cho nhau khi bà dạy sớm đi chợ hoặc có công việc đi đâu đó mà không kịp dặn tôi. Rồi treo các đồ đạc lên đó, nhất là các món thức ăn khô treo lên cho đỡ kiến. Và các bạn biết tại sao kiến không leo lên đó được không, vì các gia đình ở quê tôi thường đặt một cái bát con đổ lưng lưng nước vào và đặt dưới chân các cột trụ bằng tre làm khung nâng đỡ các tấm liếp. Tôi được giao nhiệm vụ đổ thêm nước vào các bát nước này vì lâu lâu nước bị cạn dần do bay hơi. Mà tôi thấy khi cho những cái bát cũ vào đỡ các cột trụ tre bên dưới, làm cho cái hiên nhà rất đẹp, thanh thoát và duyên dáng với điểm nhấn là những cái bát trên nền đất hiên nhà và màu tre vàng nâu đậm do năm tháng.
Có một cái rất tuyệt vời ở căn nhà bà ngoại, đó là nền nhà thì chỉ cao ngang vườn, nhưng khoảnh sân hình vuông trước cửa nhà lại thụt xuống khoảng 40-50cm và xunh quanh viền bằng gạch 15x30 xây cho đất không bị tràn xuống. Nền sân là những viên gạch lát vuông rộng khoảng 40cm đá ngả mầu theo thời gian, có chỗ thì bóng loáng, có những chỗ viền góc thì lại hơi ẩm và rong rêu. Bà tôi thường phơi thóc lúa, cây thuốc, rơm…ở sân nhà. Khi nào bà đi vắng, tôi được giao trông coi cái sân đang phơi đồ đó để nếu có mưa thì kịp thời vun lại, cất đồ đi giúp bà. Nếu hôm nào mà bà phơi nhiều thóc lúa quá, tôi sẽ réo bác Chữ hay cô Lan Bê hàng xóm sang thu thóc và bê lên hiên giúp vì tôi còn bé, không thể xoay sở kịp. Và ở quê, các nhà luôn giúp nhau những công việc như thế. Nhưng cái hay nhất ở khoảnh sân này là nó chính là chỗ chứa nước mưa khi mưa lớn. Tôi thấy ở Hà Nội và các nơi thành thị thì bao giờ người ta cũng xây nhà cao lên hơn vườn, và vườn thường cùng mặt phẳng với sân. Nhưng bà đã giải thích cho tôi là khi có mưa lớn thì sẽ bị xói mòn hoặc ngập nước vườn cây, điều đó không tốt cho cây, khi có sân thấp hơn, sân sẽ là nơi chứa nước giúp vườn cây và nhà không bị ngập nước, và mình có thể đi lội qua sân với một cái độ sâu 40-50cm thế không có nguy hiểm và nước sẽ rút. Thậm chí lúc đó sân nhà biến thành một cái hồ nước nông dùng cho nhiều mục đích khác nhau như rửa đồ đạc, giặt chiếu, hay biến thành…”bể bơi” để tôi “vầy” cùng chúng bạn sau cơn mưa. Và bà bảo việc các nhà ai cũng đắp nền nhà mình cao lên thứ nhất là sau khi mưa to sẽ đẩy hết nước ra nhà hàng xóm hoặc công trình công cộng, như thế là không tốt, thứ hai là lấy đâu ra đất, đào ở đâu ra mãi nếu ai cũng muốn nhà mình cao hơn. Sau này, tôi cứ nghĩ, giá như ở Hà Nội, hay là cả nước ai cũng làm nhà, làm sân mà nghĩ cho hàng xóm, cho cộng đồng xunh quanh thì các khu dân cư không bị ngập lụt và sẽ có một kiến trúc tổng thể rất hài hoà, tự nhiên, đẹp đẽ.
Một điều nữa khiến tôi mê mẩn ngôi nhà của bà ngoại là vườn cây quanh nhà, tường rào và giếng nước. Thửa đất nhà bà gần như là hình vuông, ở chính giữa khu đất là sân gạch thụt xuống, một mặt là căn nhà xây ngang chính giữa, xây kịch ra phía sau, mở hai cửa sổ nhìn sang nhà hàng xóm, ba mặt còn lại là vườn bao quanh, làm cho mọi hoạt động của căn nhà rất kín đáo, nhưng thoáng mát dễ chịu. Căn nhà nhìn qua sân gạch tới phần vườn rồi đến giếng nước. Đó là một cái giếng nước trong vắt và mát vô cùng. Tôi và bà dùng gàu để múc nước, có một cái gàu nhỏ cho tôi và một gàu lớn cho bà. Trong sân giếng có một chiếc bể nhỏ cỡ 100x60cm, cao khoảng 80cm. Bà hứng nước mưa dự trữ vào bể dùng để nấu ăn, tắm rửa thì dùng nước giếng. Nhà bà có một cái chậu nhôm to đùng mà tôi thường ngồi vào để tắm, một chiếc chậu nhôm nhỏ để rửa mặt và một chiếc chậu men trắng viền xanh lơ, có hoa xunh quanh để vo gạo, rửa rau. Cổng nhà là hai câu duối hai bên to lắm lắm, uống lại thành vòm, cánh cổng bằng tre đan những ô hình vuông. Hàng rào suốt vườn làm bằng cây ô dô là có gai sắc, nhưng phần cạnh tường nhà là bức tường gạch xây bằng những viên gạch rất to, tường dầy khoảng 60cm trát bằng sáp ong (?). Bức tường đó đẹp lắm vì trên tường mọc một cây sung rất to, nhưng lùn, năm nào cũng ra trái, chín mọng, tôi hay được ăn. Ngoài ra, còn cả một số cây duối nhỏ mọc từ những kẽ hở giữa các viên gạch, bà nói do chim ăn duối nhà mình rồi nhả hạt ở đó. Đương nhiên là có bao nhiêu là dương xỉ và rong rêu nữa. Tôi rất thích bức tường đó vì trôi thấy những viên gạch rất là to và lạ, đẹp lắm, màu sắc sống động khác nhau, chả có viên nào giống viên nào cả. Tôi ghét những bức tường gạch công nghiệp đỏ au và tất cả các viên gạch đều giống nhau, nhà xây tường thế tôi cứ hình dung ra đó là công xưởng, không ấm áp và tình cảm. Bà bảo tôi là bức tường này được xây cùng với căn nhà, từ thời ông của bà cơ, tức là tôi phải gọi là kị ý, tức là cỡ năm 1870. Lâu thật, lâu hơn cả cây cầu Long Biên ở Hà Nội của tôi.
Khu vườn quanh nhà bà không quá lớn nhưng cũng đầy hoa trái, tất nhiên là không lớn như vườn nhà ông nội tôi ở Hà Nội, nhưng cũng có 2cây trứng gà to lắm, một loại trứng gà dài, một loại hơi tròn, một cây ngay bên phải đầu hồi nhà từ là ở góc đất, một cây to um tùm che rợp cả sân giếng và khoảnh vườn phía trước nhà. Bên phải đường vào từ cổng có một cây ổi găng và một cây ổi trâu, loại ổi to và cứng hơn ý. Sát giếng còn có một cây ổi mỡ. Bên trái đường vào là 2 cây hồng xiêm cát nhưng quả ngọt kinh khủng, rồi đến một cây dâu da xoan. À tôi còn quên mất, ngay cạnh đường vào sân giếng là một cây quất hồng bì. Có một cây ổi găng to đùng và 2 cây roi lớn ở phía vườn bên kia, từ cổng nhìn vào. Trồng ven đường viền quanh sân là những khóm cây bạch môn, lá dài như là hành, lá hẹ nhưng dày và to hơn. Thi thoảng bà lại hướng dẫn tôi đào một vài khóm lên, đào thật nhẹ nhàng, gỡ củ ra, giống như củ sâm ý, rồi lại thật nhẹ nhàng trồng xuống lại. Củ cây bạch môn rửa sạch đi, rồi thái lát chéo, phơi khô, rồi lấy nước nóng ngâm uống, vị rất ngon và mát dịu, không bị ngọt quá. Bà ngoại nói uống nước củ bạch môn rất tốt cho sức khoẻ, mát bên trong người, vì vậy bà cháu tôi rất hay uống loại nước này, cùng với nước lá vối, lá chè xanh. Trong vườn còn có một vài bụi hoa, cây huyết dụ là đỏ, dáng cây cao, rất đẹp. Có lẽ tôi yêu cây từ lúc mới biết đi lại lẫm chẫm khi ở cùng bà, tôi thường cùng bà bắt sâu cho cây, tưới cây. À mà vườn nhà bà tôi còn có trồng rau ngót, tôi thích ăn canh rau ngót với thịt bằm. Cây rau ngót ra hoa và ra trái nữa, màu trắng, như trái cà nhưng nhỏ xíu, xinh lắm.
Thật là sốc, không còn căn nhà tuổi thơ tôi nữa rồi!
Tôi đi học, và phải về thành phố học cùng trường với anh trai, và từ đó tôi chỉ ở nhà bà ba tháng hè, dịp Tết và cuối tuần. Nhưng với tôi đó là căn nhà của tôi, tôi yêu và gắn bó vô cùng. Tôi đã thuộc từng vết nứt, vết sứt của lớp vữa bên ngoài, tôi còn thuộc màu của từng viên gạch tường rào, tôi thuộc từng chi tiết của bốn cây cột đầu hè và hai cây cột treo câu đối trong nhà. Tôi yêu lắm…
Khi tôi ở Đại học năm cuối, gia đình tôi đón bà lên Hà Nội. Thật ra bà không thích rời xa quê một chút nào, và một phần vì bà rất nhanh nhẹn tháo vát và có sức khoẻ vô cùng dẻo dai, bà thích bán hàng xén ở chợ và bà thấy việc đó rất vui, không vất vả mà vẫn đỡ được tiền cho bố mẹ tôi chăm lo cho hai anh em tôi. Nhưng lúc đó bà đã 78 tuổi rồi, nên cuối cùng bà đành nhượng bộ đi lên nhà tôi ở, căn nhà đóng cửa, thi thoảng bố hoặc mẹ đèo bà và một trong hai anh em tôi về quê chơi, thắp hương, lau chùi nhà. Tết thì bà về ở hai tuần để hương khói cho ông bà tổ tiên. Rồi đến một hôm, bà nói với tôi là bà già rồi, nhà để không thật phí, tặng lại cho dòng họ để có người chăm sóc, và căn nhà sẽ trở thành nơi thờ tự của dòng họ. Thế là Tết năm đó, bà về quê và họp họ hàng lại nói quyết định của mình, rồi tôi và bà đi lên uỷ ban xã để bà kí giấy cho đất, chuyển cho một người ông là em họ bà chăm lo. Bẵng đi mấy năm, tôi đi du học ở nước ngoài, tôi có nghe phong thanh là cả dòng họ quyết định xây lại ngôi nhà vì nó đã bị xuống cấp rồi. Một hôm, tôi đi xe máy chở bà về thăm nhà thờ họ, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa, tất cả đã thay đổi hoàn toàn, căn nhà được đập đi xây mới toàn bộ, mái ngói đỏ au, nhà sơn vàng và 100% đồ đạc trong nhà là mới. Cả hoành phi, câu đối, bàn thờ được sơn son thiếp vàng mới cứng, nhà lát gạch hoa như những căn nhà kiểu mới. Bức tường cổ bên cạnh ngõ đã bị đập đi, hàng cây ô dô cũng bỏ đi, tất cả được thay bằng một bức tường mới tinh trát vữa sáng trưng. Cả cái sân gạch đẹp tuyệt vời của tôi đã bị lấp đi cho cao lên bằng vườn. Tôi thấy choáng váng còn người ông em họ của bà thì vui mừng, tự hào khoe với hai bà cháu về căn nhà mới khang trang. Tôi ú ớ một hồi rồi hỏi “Còn…còn những viên gạch ở bức tường rào, gạch lát dưới sân cũ đâu rồi ông?”. Ông bảo “đập vụn ra dầm dưới móng và cho đi rồi. Ngôi nhà thờ họ tôi chỉ còn là màu xanh đỏ tím vàng trước mặt tôi. Nó giống với muôn ngàn những ngôi nhà mới xây ở nông thôn, mọi kỉ niệm, mọi kí ức như vỡ vụn trong tôi. Cả cây sim hay ra đầy trái chín đỏ trên tường đã biến mất, không còn gì nữa cả. Hai cây duối hàng trăm năm tuổi mà tôi thường ngồi dưới mát rượi đợi bà về khi trời nắng đã đi đâu. Tôi buồn lắm, oà khóc và nói với bà, từ nay con không muốn về thăm căn nhà này nữa. Bà lặng im rất lâu, rồi nói với tôi rằng “Con biết rồi đấy, nhà mình đã hiến căn nhà này cho dòng họ, và dòng họ đã họp bàn quyết định, thì phải theo ý kiến của họ…”. Bà còn nói rất dài, rất dài nữa, mà tôi không nghe thấy gì hết. Tôi thấy tim mình tan nát. Tất cả tuổi thơ của tôi, tất cả cuộc đời bà đã gắn bó với ngôi nhà này, giờ đây đã không còn nữa. Tại sao, tại sao dòng họ không quyết định tu bổ căn nhà, thay và sửa những chi tiết bị hỏng? Tại sao, tại sao lại phải sơn đỏ vàng loè loẹt lên hoành phi, câu đối, bàn thờ chứ? Tại sao phải vứt bộ bàn ghế cũ đi? Tại sao, tại sao…?
Vậy đấy, ngôi nhà của bà ngoại tôi đã không còn nữa. Và mỗi lần tôi nhớ đến bà, tôi lại nhớ về căn nhà, nơi ôm ấp, che chở cho tuổi thơ của tôi, nơi mà bà cháu tôi gắn bó bên nhau, nơi tôi thường nằm đọc kinh cho bà nghe, và bà cầm cái quạt nan tre quạt mát cho tôi suốt bao đêm hè…
Comments