top of page

Nữ doanh nhân đứng sau gần 800 ngôi nhà chống lũ

Trong mùa bão lũ năm nay tại miền Trung, cái tên Jang Kều một lần nữa lại được nhắc tới. Những ngôi nhà an toàn mà chị miệt mài vận động bà con xây dựng suốt 7 năm qua đã thực sự phát huy tác dụng.



Mái tóc xoăn mì cùng phong cách thời trang đậm chất menswear khiến Jang Kều trông giống một người nghệ sĩ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng chị chính là người đứng sau dự án Nhà Chống Lũ đã cứu sống nhiều bà con miền Trung trong đợt mưa lũ khủng khiếp vừa qua.


Ra đời năm 2013, dự án này đã huy động được hơn 50 tỷ đồng, với thành quả là hơn 800 căn nhà với 11 mô hình nhà an toàn được triển khai tại nhiều tỉnh thành thường xuyên phải hứng chịu bão lũ.


Không dừng lại ở đây, người phụ nữ này thành lập Quỹ Sống và tiếp tục triển khai một loạt dự án có ý nghĩa khác như dự án Làng Hạnh Phúc, dự án Hạnh Phúc Xanh, dự án Forest Symphony.


Người phụ nữ từ bỏ tất cả vì bản năng giúp người


Jang Kều từng chia sẻ rằng bản năng của chị là giúp đỡ người khác


Ngày bé, Jang Kều thích đóng vai “chủ tướng” để dẫn dắt bạn bè. Khi cả nhóm mải chơi mà đi lạc, chị đã lấy luôn đôi dép nhựa mới mua để đổi kem và bánh mì, giúp bạn bè đỡ đói trong lúc tìm được về.

Lớn lên, Jang Kều lại dùng những đồng lương ít ỏi kiếm được từ công việc gia sư cho người nước ngoài để đóng học cho chính mình và các bạn ở xa lên Hà Nội học.


“Bản thân tôi hiện tại chính là sự phản chiếu của chính mình hồi nhỏ. Tôi luôn tâm niệm mình phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, [...]”, chị trả lời phỏng vấn một tạp chí.


Năm 2009, trong một chuyến đi thiện nguyện ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), Jang Kều không thể quên được hình ảnh tang thương do bão lũ gây ra. Điều này đã thôi thúc chị bắt tay vào tìm kiếm mô hình nhà an toàn cho bà con. Sau 4 năm quan sát và nghiên cứu, dự án Nhà Chống Lũ chính thức ra đời.


Còn một yếu tố quan trọng khác cũng tác động đến quyết định năm ấy của Jang Kều: cậu bé Taka - con trai chị. Năm Taka 2 tuổi, chị phát hiện con mình bị tự kỷ. Đi làm thì công việc ngập đầu, về nhà lại phải giải quyết rắc rối cho con, nhiều lúc người phụ nữ này cảm thấy căng thẳng đến kiệt sức.


Cho đến một buổi chiều, Jang Kều thấy con đang với tay nhặt những sợi nắng, gương mặt tràn ngập hạnh phúc. Hành động mọi khi chị vẫn cho là vô vị nay lại trở nên thật đẹp. Jang Kều hiểu ra rằng Taka chỉ có thể hạnh phúc khi được làm những điều mình muốn, và chị cũng vậy. Điều chị muốn là cống hiến cho cộng đồng, giúp đỡ đồng bào ở những vùng khó khăn.


“Khi mình hạnh phúc thì con cũng sẽ hạnh phúc và mình mới có thể giúp đỡ những người xung quanh”, chị kết luận.

Thời điểm đó, Jang Kều đang làm khá nhiều công việc liên quan đến truyền thông, sản xuất truyền hình, event. Tuy nhiên, đây không hẳn là những thứ chị đam mê; chị cũng không quá cần tiền. Người phụ nữ này quyết định dừng lại tất cả, để dành thời gian cho việc ý nghĩa hơn.


Từ xây nhà chỗng lũ đến trồng rừng ngập mặn


Không giống với nhiều chương trình thiện nguyện khác. Nhà Chống Lũ lại áp dụng cách làm khá đặc biệt: dự án chỉ hỗ trợ kỹ thuật và 50% kinh phí, còn lại 50% do dân đóng góp.


Mỗi căn nhà chống lũ có giá khoảng 50-180 triệu đồng. Do đó, người dân sẽ phải dành ra tối thiểu 25 triệu đồng - một khoản tiền “không tưởng” với các hộ gia đình nghèo. Thế nhưng, suốt 7 năm thực hiện, nguyên tắc bất di bất dịch này chưa từng có ngoại lệ.


Jang Kều không thể quên nổi những ánh mắt thất thần, sự im lặng đầy đáng sợ của bà sau khi lũ qua đi. Chị nhận ra rằng họ thứ họ mất đi không chỉ là nhà cửa, trâu bò… mà còn là niềm tin, hy vọng. Nếu chỉ tặng họ mì tôm, quần áo, tiền bạc, cuộc sống của những con người đó có lẽ sẽ mãi ở trong vòng lặp luẩn quẩn này.


Mô hình nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ

“Trong mọi hoàn cảnh, người làm từ thiện phải luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân nghèo, phải đi đôi giày của họ, lắng nghe họ, và tìm mọi cách sáng tạo để giúp họ. Có như vậy thì dẫu khó đến mấy cũng sẽ có cách để giải quyết”, chị nói.


Theo Jang Kều, phương pháp này không chỉ giúp người dân về vật chất, mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Họ sẽ tự hào hơn về ngôi nhà mình tự tay đóng góp, biết chủ động hơn cho tương lai thay vì ngồi chờ cứu trợ.

“Chúng tôi quan niệm nếu bỏ thật nhiều tài chính và công sức vào việc sửa nhà cho chính mình, người dân sẽ biết giữ gìn, quý trọng hơn căn nhà đó. Còn với tư cách người hỗ trợ, chúng tôi không chỉ có thể đóng góp đơn thuần về tài chính, mà còn cả thời gian, năng lực chuyên môn một cách đúng đắn và hiệu quả”, chị giải thích.


Tính đến nay, Nhà Chống Lũ đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai. Người dân có thể chuyển lương thực dự trữ, đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác/nhà tránh lũ để giảm thiểu thiệt hại.


Tại miền Tây - nơi đang triển khai dự án Forest Symphony ngăn hạn mặn, Jang Kều cũng áp dụng phương châm “chung tay” đóng góp này. Hơn 10.000 cây bần đã được trồng ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) với nguồn tiền từ Quỹ Sống và phần vốn do chính quyền địa phương hỗ trợ.


Hiện tại, Quỹ Sống của Jang Kều đang tiến hành 3 chương trình hành động: Nhà Chống Lũ (gồm dự án Nhà An Toàn và Làng Hạnh Phúc), Hạnh Phúc Xanh (gồm dự án dự án Trồng Một Cây, Công viên Hạnh Phúc Xanh và Forest Symphony) và Con người Bền vững (talkshow, tọa đàm, workshop…). Nguồn tiền cho quỹ được đóng góp qua hình thức gây quỹ cộng đồng, bán đấu giá, hoặc do doanh nghiệp và các tổ chức tài trợ.



Niềm lạc quan hướng về tương lai


Ở Jang Kều có một sự lạc quan, yêu đời vô cùng mãnh liệt. Chị luôn tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp trong tương lai và cố gắng hết sức mình để biến chúng thành hiện thực.


Trước đây, Jang Kều không ít lần rơi vào cảnh thất bại, phá sản. Chị vừa mở công ty thì phá sản, công ty tiếp theo vừa hồi phục thì ngã xe gãy chân. Thế nhưng, Jang Kều lại dùng khoảng thời gian chán nản và buồn tẻ này để sống chậm lại và suy nghĩ.


“Đôi khi, những điều mình gặp phải là bài học mà Thượng Đế nghĩ rằng mình thiếu cái đó nên dạy mình. Cho nên những việc vấp ngã hay thất bại là điều nên có, hay tôi nghĩ rằng đó là Thượng Đế đã cố tình thử thách mình”, chị tâm sự.


Quan niệm như vậy nên Jang Kều vẫn giữ được sự kiên nhẫn, kiên định khi gặp bất kỳ trở ngại trong quá trình thực hiện các dự án vì cộng đồng.



Đi thuyết phục cả năm trời ở miền Tây nhưng chỉ có 2 hộ đồng ý làm Nhà Hạnh Phúc, chị cũng không chịu hy sinh nguyên tắc của mình - sự chung tay - để giúp đỡ bằng tiền bạc hay nước sạch. Có bà cụ trong tay chỉ còn 10.000 VNĐ, không đủ để dựng Nhà An Toàn, chị cũng từ từ động viên bà đi vay mượn để tham gia dự án.


Bởi lẽ, Jang Kều biết rằng những gì mình đang làm vì một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Chị nói rằng trồng cây bây giờ chưa thay đổi gì, nhưng 70 năm nữa sẽ thấy lợi ích chống lũ. Việc xây nhà mất nhiều thời gian, nhưng giúp người dân sống an toàn trong 50 năm tiếp theo.


“Tôi vẫn luôn giữ cho mình những năng lượng tích cực, làm những việc truyền cảm hứng và luôn tin vào trực quan của mình”, chị nói. “Ước mong lớn nhất của tôi là muốn mỗi cá nhân sẽ là một nhà chống lũ, cùng nhau trồng cây, bảo vệ môi trường, đó mới là cách giúp đỡ có giá trị bền vững nhất cho cộng đồng”.


Ngọc Hà | Tri Thức Trẻ |12/01/2021 | 07:48






Comments


bottom of page