Trò chuyện với Người Đô Thị, Phạm Thị Hương Giang - biệt danh Jang Kều, người thường được biết đến qua vai trò sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ - chia sẻ rằng cuộc sống nhiều thử thách chưa bao giờ làm chị mất đi niềm tin vươn tới một xã hội và cuộc sống bền vững, trong tâm thế tự do của một người trẻ, thế hệ sau chiến tranh.
Nhà Chống Lũ là một dự án phát triển xã hội, quyên góp từ cộng đồng qua các hoạt động online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật, nhằm hỗ trợ người dân cùng xây nhà an toàn trong các vùng chịu thiên tai, bão lũ.
Dự án ra đời năm 2013, khi Giang đang là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc điều hành năm công ty trong tổ hợp các công ty tư vấn, sáng tạo và truyền thông GroupG Asia Pacific Pte Ltd, trụ sở chính tại Singapore. Và khi ấy, chị đang là mẹ của một đứa con nhỏ mắc chứng tự kỷ luôn cần đến mình. Chỉ có năm người, đều đi làm, không ai có toàn thời gian cho dự án, vậy mà Giang vẫn chọn một con đường khó khăn, thậm chí nhiều nước mắt cho Nhà Chống Lũ: người nghèo trong diện xây nhà phải góp ít nhất 50% kinh phí cùng công sức, giám sát. Với ý tưởng cộng đồng hỗ trợ để người thụ hưởng tự xây ngôi nhà của mình, Giang vươn tới điều xa hơn: tạo được một mô hình cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau, hướng đến cuộc sống bền vững.
Chị bắt đầu điều ấy từ đâu?
Từ niềm tin (cười tươi). Tôi tin rằng chỉ khi người dân thực sự tin tưởng, mong muốn thay đổi cuộc đời, chúng ta mới có thể giúp đỡ được họ. Nhiều người dân nghèo ở nông thôn không dám mơ ước cho ngày mai. Cách hỗ trợ của người làm chính sách hiện nay khiến họ thêm thụ động, tự ti, thậm chí ích kỷ. Có những sự giúp đỡ thiếu khoa học, không tính đến nhu cầu, khả năng tài chính của người dân, yếu tố văn hóa, cộng với chủ nghĩa bình quân… dẫn tới tình trạng người thụ hưởng không có niềm tin, không cần suy nghĩ và nỗ lực nữa.
Có những gia đình nhận cứu trợ đến 470 triệu đồng nhưng chỉ để mua ruộng, trâu bò, uống rượu… dù ngôi nhà họ đang ở rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của mình. Bởi nếu xây nhà, năm sau họ không được nhận tiền hỗ trợ… Nhưng đầu tiên chúng tôi phải hiểu hoàn cảnh từng hộ và làm họ tin mình. Có niềm tin rồi, một cộng đồng rất nhỏ cũng có thể lan tỏa niềm tin đến cộng đồng mấy ngàn người. Như khi làm nhà phao ở Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, chúng tôi chỉ hỗ trợ làm chưa tới 100 ngôi nhà, người dân đã tự giúp nhau làm thêm 300 nhà nữa.
Thực ra khi bắt đầu rất khó. Lấy cảm hứng nhà sáu cột và một cầu thang bê tông của một tiến sĩ về vật liệu nhẹ, chúng tôi phát triển thành các mô hình nhà an toàn, và cùng xây nhà với dân. Họ là người thiết kế nhà theo nhu cầu ở và khả năng tài chính của mình. Kiến trúc sư dự án đóng vai trò đảm bảo cho ngôi nhà an toàn, tiết kiệm và có thể mở rộng không gian. Tới nay, tỷ lệ đóng góp không còn 50 – 50 nữa, mà đã có những hộ góp lên đến 80%. Họ có niềm tin rồi thì hàng xóm, bà con cho vay tiền thêm. Thế là họ cố gắng. Sau bốn năm, hơn 550 ngôi nhà được xây tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Nam Trung bộ và miền Tây, không ngôi nhà nào giống nhà nào. Hơn 20 tỷ đồng xây nhà nhưng giá trị lên tới 70 – 80 tỷ đồng, gồm cả đóng góp công sức tình nguyện của rất nhiều người làm chuyên môn, thanh niên tình nguyện…
Mục tiêu cuộc sống bền vững của Nhà Chống Lũ như thế nào?
Lúc viết dự án Nhà Chống Lũ, tôi không nghĩ đó chỉ là cái nhà. Cái nhà chỉ là cánh cửa khơi dậy niềm tin của người ta để dựng lại đời mới. Điều chúng tôi hướng tới là cuộc sống bền vững gồm ba chương trình hành động.
Một là cộng đồng bền vững về vật chất; có nhà an toàn rồi thì bắt đầu làm về ánh sáng, nhà vệ sinh, nước sạch…
Thứ hai là môi trường bền vững, gồm cây xanh và rác thải. Chương trình bắt đầu từ người dân đô thị, biến việc trồng cây thành văn hóa – dự định năm nay sẽ thí điểm ở TP.HCM. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được cha mẹ trồng tặng một cây xanh, tương đương 1 đơn vị hạnh phúc. Đứa trẻ lớn lên sẽ được ba mẹ hướng dẫn chăm sóc cây, khơi gợi lòng yêu thiên nhiên. Chúng tôi tìm đến diện tích đất công của các địa phương để trồng cây, rồi kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp… Bạn tưởng tượng đi, chỉ cần ba thế hệ, khoảng 70 – 90 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước xanh hạnh phúc. Tôi tin một đất nước mà con người biết yêu thiên nhiên thật sự thì không thể ích kỷ, độc ác, vô cảm.
Và cuối cùng là thay đổi nhận thức người dân, tập cho họ chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ gia đình mình, chủ động giúp đỡ người khác. Họ là người tự giải quyết những vấn đề của mình; nếu có sự giúp đỡ thì đó chỉ là sự cộng hưởng.
Tất nhiên, giao cho người dân tự chủ, bản thân chúng tôi cũng phải quản lý chuyên nghiệp. Và điều quan trọng là tất cả các bên ký kết tham gia dự án, dù là chính quyền, người dân, doanh nghiệp hay chính chúng tôi, đều phải có sự tiến bộ, học được trách nhiệm, quản lý thông minh, hiệu quả qua sự giám sát, ràng buộc lẫn nhau; đều là người được hưởng lợi.
Điều gì đã giữ cho chị niềm tin mãnh liệt vào con người?
Tôi nghĩ, niềm tin không tuyệt đối nhưng có thể nuôi dưỡng được. Nhà Chống Lũ là một minh chứng. Ngay cả trong gia đình, cách đây ba năm tôi mới biết tại sao trong nhà không có bàn thờ ông ngoại, vì sao không ai nhắc đến ông ngoại. Vì ông ngoại là bốt trưởng trong một đồn của Pháp. Năm 1954, khi Việt Minh đã lấy lại chính quyền và cải cách ruộng đất, ông bị tử hình. Mẹ tôi lập tức bị đưa đi làm con nuôi khi vừa hai tuổi. Thuộc thành phần “không trong sáng” thời bấy giờ, cuộc đời mẹ tôi gặp nhiều khó khăn, vất vả, dù mẹ học rất giỏi nhưng không được vào đại học; từ công nhân vươn lên làm giám đốc điều hành một công ty tư nhân…
Trong cuộc sống mình, mẹ tôi luôn kín đáo, thận trọng, không muốn làm gì để người ta chú ý đến mình. Làm điều tốt mà nhiều người biết, với mẹ, cũng nguy hiểm! Mẹ không muốn tôi làm Nhà Chống Lũ. Người ta gửi tiền ủng hộ dự án vào tài khoản tôi gần 30 tỉ đồng, mẹ sợ tôi có thể bị đi tù. Nhưng bà ngoại tôi thì rất ủng hộ tôi làm việc vì cộng đồng. Bà nói tôi rất giống ông ngoại, mạnh mẽ, cương quyết, hay làm những việc giúp những người xung quanh. Trước khi bà mất khoảng sáu tháng, tôi mới biết về ông ngoại. Ông không phải là người theo Pháp, ông là bí thư đảng ủy khu vực đó, sau hoạt động trong lòng địch. Cấp trên của ông đã chết, không còn ai chứng minh, mọi giấy tờ đều đã bị đốt hết…
Bây giờ, với những gì chị đã làm được, mẹ đã an tâm về chị chưa?
Tôi không học sư phạm ngoại ngữ như ý mẹ mà chọn học ngoại thương; du học về lập công ty và bị phá sản, mắc nợ ngay 1 tỉ đồng. Hai mươi lăm tuổi, công ty tôi mới mở hợp tác với một công ty nước ngoài tại Việt Nam, đang phát triển thì bị chiếm đoạt. Tôi lại phải thành lập doanh nghiệp riêng, với vỏn vẹn 120 triệu còn lại. Cuối năm 2013, khi GroupG đã phát triển với chuỗi năm công ty, tôi quyết định chỉ giữ lại hai công ty, số còn lại tặng bạn bè, để dành thời gian làm Nhà Chống Lũ; trong khi tôi còn đang có một đứa con nhỏ mắc chứng tự kỷ luôn cần mẹ… Tất cả những điều đó đều khiến mẹ tôi vô cùng lo lắng, không ủng hộ; hai mẹ con luôn căng thẳng với nhau.
Nhưng câu chuyện của ông ngoại đã giúp tôi hiểu hơn mẹ mình và thế hệ sống trong buổi giao thời. Tôi hiểu tại sao mẹ chỉ muốn tôi tập trung học rồi sống một cuộc sống yên ổn. Tôi không còn “chống đối” mẹ như xưa hay bỏ nhà ra ngoài ở, mỗi khi hai mẹ con bất đồng. Hiểu rồi thì thấy mình bao dung, bình tĩnh hơn, và không phán xét mọi việc. Tôi thương mẹ hơn, biết cách nói chuyện, chia sẻ hơn với mẹ. Hiện tại, mẹ rất ủng hộ những việc tôi làm, nhưng cũng không hài lòng vì tôi đi nhiều quá, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Từ câu chuyện của ông ngoại, tôi nghĩ mình cần có sự bao dung. Đất nước mình không phát triển được vì thiếu sự bao dung. Nào là giữa miền Bắc – miền Nam, thời nọ thời kia, con người ta luôn tìm cách đè nén, tranh đấu nhau. Sự thiếu bao dung khiến người ta bị ngăn cách, không tin nhau, tất cả đều làm việc đơn độc.
Còn con chị?
Con tôi như một người thầy của tôi. Bé bị tự kỷ. Lúc đầu tôi luôn ngăn cản hành động con mình, tôi bắt con phải thế này, thế kia. Nhưng rồi tôi quyết định thay đổi, và thành lập Nhà Chống Lũ. Không còn ngày nào cũng chiến đấu, căng thẳng với con. Tôi đối xử với con như một người bình thường, cùng chơi, cùng làm việc với con. Đó chính là cách tiếp cận trẻ tự kỷ. Tôi ra nhặt nắng với con, cùng con cắt giấy thành hàng ngàn mảnh nhỏ. Hai năm để con cào cấu, sợ hãi, để con bơi được. Hai năm cùng ngồi trong nhà vệ sinh, nắm tay và nói chuyện với con, để con không sợ hãi. Bảy tuổi, con mới có thể tự đi vệ sinh, tắm vòi sen… Thỉnh thoảng tôi cũng đưa con đi cùng những chuyến đi Nhà Chống Lũ. Vừa an tâm chăm sóc con, vừa giúp con có môi trường tiếp xúc rộng mở hơn. Và đúng là con tôi đang tốt hơn thật (cười).
Đôi khi tôi nghĩ, thượng đế gửi con xuống để dạy mình điều còn thiếu, và cho mình sự kiên nhẫn.
Cuộc sống chị có quá nhiều thử thách. Đã khi nào chị yếu đuối và muốn gục ngã? Chị đã làm gì để vượt qua nó?
Sau khi mất công ty với đối tác Mỹ, phải thành lập công ty mới, được hai tháng, tôi bị tai nạn gãy chân trái. Công ty hoạt động tốt, vừa mở chi nhánh tại Sài Gòn, tôi lại bị tai nạn, gãy đôi cổ xương đùi phải, bó bột năm tháng, nằm một chỗ. Bác sĩ nói tôi có thể trở thành người tàn tật, phải đi xe lăn. Khủng hoảng! Nhưng chính thời gian đó tôi có điều kiện lùi lại nhìn mọi chuyện. Đọc sách. Rồi viết ra kế hoạch mở công ty tư vấn thương hiệu G’Brand, tiền thân của GroupG. Có lẽ thượng đế công bằng, mình mất đi một điều gì, sẽ được bù đắp một cái khác.
Với con mình cũng vậy. Khi biết con bị tự kỷ, tôi điên cuồng làm theo tất cả mọi cách để chữa trị cho con, dù phải sang tận một nước ít ai biết tên ở châu Âu, hay lên núi sâu tìm thầy. Nếu không làm Nhà Chống Lũ, chắc lúc đó tôi phát điên; rất bế tắc, không biết bao giờ con mình khá lên.
Rồi tôi nhận ra rằng, mình hãy làm điều mình đam mê. Con mình được quyền nhặt nắng, cắt giấy, và mình được quyền làm những việc mình muốn là giúp đỡ người nghèo khổ. Nhà Chống Lũ là sự cân bằng cho tôi. Ban đầu có cảm giác tội lỗi, con mình đang khó khăn như thế, sao mình lại dành thời gian đi làm những thứ cho thiên hạ. Nhưng khi biết cân bằng và biết yêu mình đầu tiên, tôi cũng bắt đầu yêu được người khác – là con trai mình – một cách có hiệu quả hơn. Và tốt hơn hết là chúng tôi làm cùng nhau, hai bên cùng học.
Trong cuộc sống của mình, đâu là giá trị mà chị thấy mình cần giữ gìn?
Tôi muốn giữ cho mình quyền tự do làm những điều mình mong muốn, giữ cho mình tự do được yêu bản thân, yêu những đam mê của mình và thực hiện nó đến tận cùng. Tự khắc mọi sự sẽ tốt lên, và mình sẽ được bình an trong tâm hồn. Con người ta thường tự tạo rào chắn cho mình, vì văn hóa, tập tục, giới tính…
Chị nói sáng tạo là tôn giáo của mình. Chị có thể chia sẻ rõ hơn?
Bà ngoại là người có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi. Bà cho tôi được sống với cái đẹp, sự tự do và sáng tạo từ hồi nhỏ. Nhà Chống Lũ được tạo lập dựa trên ba giá trị: sáng tạo, nhân văn, bền vững. Tôi tin cái dẫn dắt một xã hội là sự sáng tạo; tôi không tin một cộng đồng, một đất nước có thể phát triển nếu không có sự sáng tạo. Nhưng một xã hội thiếu nhân văn thì không bao giờ tồn tại được, bởi nhân văn chính là nền tảng của xã hội. Sáng tạo đem lại lợi ích cho cộng đồng, không phải cho cái tôi cá nhân, thì tự nó sẽ tạo ra giá trị nhân văn. Ngược lại, nhân văn là động lực của sáng tạo. Sự tương tác của chúng tạo nên sự bền vững của xã hội. Sáng tạo, nhân văn càng lớn, sự bền vững của xã hội càng cao, càng rộng.
Và cái đẹp, nụ cười… thúc đẩy cho sáng tạo phát triển hơn?
Đúng vậy. Nhà Chống Lũ chưa bao giờ dùng hình ảnh thương tâm để kêu gọi chung tay. Tất cả đều là nụ cười, niềm tin, là màu sắc tươi vui. Tôi không bao giờ tin những thứ tiêu cực sẽ làm được gì cho cuộc sống.
Lê Quỳnh thực hiện - Người Đô Thị | Thứ bảy, 28/04/2018
Comments