top of page

Phạm Thị Hương Giang: Tôi muốn lan tỏa lối sống thuận theo tự nhiên

Updated: Oct 26, 2021

Phạm Thị Hương Giang - biệt danh Jang Kều, người thường được biết đến qua vai trò sáng lập và điều hành Nhà Chống Lũ - chia sẻ rằng cuộc sống nhiều thử thách chưa bao giờ làm chị mất đi niềm tin vươn tới một xã hội và cuộc sống bền vững, trong tâm thế tự do của một người trẻ.


Từ một dự án hỗ trợ những người dân vùng lũ, Nhà Chống Lũ (NCL) đã trở thành một chương trình gồm nhiều hạng mục hỗ trợ như nhà, nước sạch, năng lượng…. Với những gì Giang và cộng sự đã nỗ lực cho cộng đồng trong nhiều năm qua, chị được vinh danh là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam.


- Chúc mừng Giang đã lọt vào danh sách 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam năm 2019 được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Đó là một hành trình dài bền bỉ của chị làm việc vì cộng đồng. Điều gì thôi thúc chị dấn thân trên con đường khó khăn này?

+ Đó là một hành trình khá dài và gian nan mà tôi và các cộng sự đã trải qua. Tôi và bạn bè của mình trước đây rất hay đi từ thiện. Cứ ở đâu có lũ là chúng tôi đến để cứu trợ. Cho đến năm 2009, khi chúng tôi đến huyện Đại Lộc, chứng kiến những hình ảnh quá tang thương khiến tôi không thể nào quên được.

Từ đó, tôi quyết định phải nghĩ đến một mô hình làm sao để có một ngôi nhà an toàn cho bà con vùng lũ. Tôi cứ nung nấu ước mơ đó suốt 4 năm, mãi cho đến năm 2013, một cơn lũ lịch sử nữa lại đến và bên cạnh những hình ảnh mất mát đau lòng thì một ngôi nhà đặc biệt đã được chia sẻ trên trang cá nhân.

Đó là ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước, là công trình mà Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng – chuyên gia về vật liệu nhẹ - dành tặng người hàng xóm ở quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) của mình. Nó đã tồn tại hơn 10 năm.

Lúc này tôi nghĩ mình phải làm một mô hình nhà có khả năng chống lũ như thế này để giúp bà con vùng lũ, và thế là chúng tôi khởi xướng dự án NCL. Đây hoàn toàn là dự án phát triển cộng đồng, chúng tôi tổ chức chương trình gây quỹ từ cộng đồng qua các hoạt động online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật với mục tiêu phần nào hỗ trợ cho người dân vùng lũ xây dựng được chốn an cư.

Tuy nhiên, khác với các dự án từ thiện, bà con được chúng tôi giúp xây nhà phải đóng góp ít nhất 50% tổng chi phí xây nhà. Ngoài ra, bà con phải góp sức từ quá trình thiết kế đến xây dựng và giám sát việc thi công ngôi nhà của mình.

Tôi tin rằng hầu hết người dân đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi một nơi khác. Vậy nên tôi sẽ xây lại chính ngôi nhà đã bị sập của bà con nhưng có khả năng chống lũ, chống bão.

- Triết lý của chị và NCL là tạo được một mô hình cộng đồng giúp đỡ nhau và hướng tới một cuộc sống bền vững. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?

+ Lúc ngồi đặt bút viết dự án NCL, tôi không nghĩ đó chỉ là cái nhà. Cái nhà chỉ là cánh cửa khơi dậy niềm tin của bà con để dựng lại một cuộc đời mới. Điều chúng tôi hướng tới là cuộc sống bền vững, về vật chất, cần môi trường cả việc trồng cây xanh và xử lý rác thải.

Chương trình bắt đầu từ người dân đô thị, biến việc trồng cây thành văn hóa đồng thời khơi gợi lòng yêu thiên nhiên và sự kết nối của mọi người. Chúng tôi tìm đến diện tích đất công của các địa phương để trồng cây, rồi kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp…

Bạn tưởng tượng đi, chỉ cần ba thế hệ, khoảng 70 - 90 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước xanh hạnh phúc. Tôi tin một đất nước mà con người biết yêu thiên nhiên thật sự thì không thể ích kỷ, độc ác, vô cảm. Và cuối cùng là con người bền vững: thay đổi nhận thức người dân, tập cho họ chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ gia đình mình, chủ động giúp đỡ người khác.

Họ sẽ là người tự giải quyết những vấn đề của mình; nếu có sự giúp đỡ thì đó chỉ là sự cộng hưởng. Chúng tôi mong muốn dần dần lan toả lối sống thuận theo tự nhiên, khiêm nhường, tôn trọng và bảo vệ mẹ thiên nhiên.

- Đó cũng chính là tinh thần của chương trình Hạnh phúc Xanh mà chị đang khởi xướng?

+ Hạnh Phúc Xanh là một sáng kiến được khởi xướng và thực hiện bởi Quỹ Sống, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng tổ chức nhằm tăng mật độ cây xanh ở Việt Nam, tăng sự kết nối giữa con người và tự nhiên, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về cuộc sống xanh; sống có trách nhiệm và hài hoà với thiên nhiên và tăng sự kết nối giữa con người với con người, từ đó mang lại sự bảo vệ và hạnh phúc cho mọi người.

Trong dài hạn, chương trình sẽ triển khai ở tất cả các vùng có nguy cơ sạt lở, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để giảm thiểu các rủi ro lũ lụt, hạn hán, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, chúng tôi triển khai phát triển các công viên và khu vui chơi cộng đồng trong đó tối đa hoá số lượng cây xanh và các vật liệu tự nhiên, đồng thời sử dụng các vật liệu tái chế để xây dựng các module khu vui chơi cho trẻ em.

- NCL được sáng lập dựa trên 3 giá trị: Nhân văn, sáng tạo và bền vững. Đó cũng chính là những giá trị cốt lõi của một xã hội bền vững. Chị có thể chia sẻ về điều này?

+ Ngay từ nhỏ, tôi đã được bà ngoại tạo mọi điều kiện để được sống với cái đẹp, sự tự do và sáng tạo. Một xã hội thiếu nhân văn thì không bao giờ tồn tại được, bởi nhân văn chính là nền tảng của xã hội. Sáng tạo đem lại lợi ích cho cộng đồng, không phải cho cái tôi cá nhân, thì tự nó sẽ tạo ra giá trị nhân văn.

Ngược lại, nhân văn là động lực của sáng tạo. Sự tương tác của chúng tạo nên sự bền vững của xã hội. Sáng tạo, nhân văn càng lớn, sự bền vững của xã hội càng cao, càng rộng. Tôi nhớ, một hoạ sỹ nổi tiếng đã từng chia sẻ: “Người nghệ sĩ không thể ngự trong tháp ngà nghệ thuật của mình mà phải lăn vào đời sống, sẻ chia với những bất hạnh của con người.

Đơn giản vì đó là cách đời sống va đập vào tác phẩm của họ, giúp cho tác phẩm trường tồn theo thời gian”. Vì vậy, một Trung tâm Sáng tạo & Phát triển Cộng đồng River Ơi đang được chúng tôi ấp ủ để làm nhiệm vụ kết nối sự sáng tạo với những dự án cộng đồng.

- Tôi biết cuộc sống riêng của chị cũng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Chị làm gì để vượt qua nó?

+ Tôi luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp và tin rằng mọi biến cố, thử thách sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Sau khi mất công ty với đối tác Mỹ, phải thành lập công ty mới, được hai tháng, tôi bị tai nạn gãy chân trái. Công ty hoạt động tốt, vừa mở chi nhánh tại Sài Gòn, tôi lại bị tai nạn, gãy đôi cổ xương đùi phải, bó bột năm tháng, nằm một chỗ. Bác sĩ nói tôi có thể trở thành người tàn tật, phải đi xe lăn.

Khủng hoảng! Nhưng chính thời gian đó, tôi có điều kiện lùi lại nhìn mọi chuyện. Đọc sách, rồi viết ra mô hình tư vấn chiến lược phát triển thương hiệu, sau đó mở ra công ty tư vấn thương hiệu GBrand, tiền thân của GroupG. Có lẽ thượng đế công bằng, mình mất đi một điều gì, sẽ được bù đắp một cái khác.

Với con trai cũng vậy. Khi biết con mắc chứng tự kỷ, tôi điên cuồng làm theo tất cả mọi cách để chữa trị cho con, dù phải sang tận một nước ít ai biết tên ở châu Âu, hay lên núi cao tìm thầy. Nếu không làm NCL, chắc lúc đó tôi phát điên, vì không biết bao giờ con mình khá lên. Rồi tôi nhận ra rằng, mình hãy làm điều mình đam mê. NCL là sự cân bằng cho tôi.

Ban đầu tôi có cảm giác tội lỗi, con mình đang khó khăn như thế, sao mình lại dành thời gian đi làm những thứ cho thiên hạ. Nhưng khi biết cân bằng và biết yêu mình đầu tiên, tôi cũng bắt đầu yêu được người khác - là con trai mình - một cách có hiệu quả hơn. Chúng tôi làm cùng nhau, hai bên cùng học, cùng làm cho cuộc sống của chính chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn.

- Con trai chị có phải là một phần động lực để chị vững tin trên con đường mình chọn?

+ Tôi là người mẹ của một cậu bé mắc chứng tự kỷ luôn cần đến mình. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả chính là những tiến bộ của con hàng ngày. Con tôi như một người thầy của tôi. Bé hay lặp lại các hành động của mình và có một số hành động những người bên ngoài sẽ coi là bất thường. Lúc đầu tôi luôn ngăn cản hành động con mình, tôi bắt con phải thế này, thế kia.

Chương trình Hạnh Phúc Xanh được khởi xướng từ tháng 10-2018

Nhưng rồi tôi quyết định thay đổi, không còn ngày nào cũng chiến đấu, căng thẳng với con. Tôi đối xử với con như một người bình thường, cùng chơi, cùng làm việc với con. Đó chính là cách tiếp cận trẻ tự kỷ. Hai năm để con cào cấu, sợ hãi, để con bơi được. Hai năm cùng ngồi trong nhà vệ sinh, nắm tay và nói chuyện với con, để con không sợ hãi. Con tôi cho đến khi 6 tuổi mới bắt đầu biết đi vệ sinh, biết ăn cơm, dám cho tắm rửa mà không sợ hãi…

Bảy tuổi, con mới có thể tự đi vệ sinh, tắm vòi sen... Thật sự là đã có những khoảng thời gian tưởng không bao giờ vượt qua được. Gần đây, con tôi đã biết được cảm xúc đau, cảm xúc buồn rồi, còn vui và yêu thương thì đương nhiên là cu cậu rất biết cách thể hiện vì cậu là một đứa trẻ rất tình cảm.

Thỉnh thoảng tôi cũng đưa con đi cùng những chuyến đi NCL. Vừa an tâm chăm sóc con, vừa giúp con có môi trường tiếp xúc rộng mở hơn. Đôi khi tôi nghĩ, thượng đế gửi con xuống để dạy mình điều còn thiếu và cho mình sự kiên nhẫn.

- Tôi luôn nhìn thấy Giang trên facebook với nụ cười. Chị giấu nỗi buồn và sự mỏi mệt ở đâu?

+ Mạng xã hội là nơi người ta chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp, không nhiều người hiểu được những câu chuyện phía sau. Có nhiều lúc tôi thật sự thấy rất khó khăn, không biết nên làm gì, bắt đầu lại như thế nào. May mắn là tôi có gia đình, những người bạn thân và những cộng sự, đó là những người luôn mang đến những năng lượng tích cực, giúp tôi vượt qua được khó khăn và tiếp tục bước đi trên hành trình đó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.


Lan Tường - Công An Nhân Dân | 07/04/2019 | 07:59

Related Posts

See All

Comments


bottom of page