Ngôi nhà mang nét truyền thống của Hội An ứng dụng sự đơn giản, ít rườm rà và hài hoà với thiên nhiên
Ths. Phạm Thị Hương Giang hay Jang Kều là nhà sáng lập Quỹ Sống – quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Chị là một trong Top 50 người Phụ nữ có Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, được biết đến nhiều nhất với dự án “Nhà Chống Lũ”. Jang Kều đã dành nhiều tâm huyết cho dự án và sau 7 năm phát triển đã hỗ trợ thành công hơn 900 ngôi nhà an toàn cho bà con. Năm 2020, với mong muốn được sống hoà mình với thiên nhiên, chị cũng đã hoàn thành ngôi nhà mới cho mình tại thành phố cổ Hội An. Ngôi nhà ở xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam có tổng diện tích 180m2.
Công trình JKH (tên viết tắt dự án Jang Kều House) là một công trình đan xen nhiều loại kết cấu bao gồm nền móng và hệ thống chịu lực. Tầng 1 bằng bê tông, kết cấu thép tầng 2 và kết cấu gỗ tạo nên lớp vỏ kiến trúc công trình. Việc kết hợp nhiều loại kết cấu đòi hỏi sự tính toán kĩ lưỡng ở các khớp nối, các chi tiết liên kết. Đồng thời quá trình sản xuất các cấu kiện sắt và gỗ ở xưởng phải chính xác với chi tiết bê tông ở công trình. Ngoài ra, để làm nên sự tinh tế cho ngôi nhà, KTS đã sử dụng nhiều lớp lan vật liệu khác nhau, tuy mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều chi tiết thẩm mĩ, độc đáo.
Công trình đòi hỏi độ phức tạp về kết cấu, ngoài việc sử dụng cả ba hệ kết cấu là gỗ, bê tông, và thép thì công trình cũng có một khó khăn khác đó là sự thay đổi cao độ liên tục của nền nhà, nền tam cấp, sân vườn và hiên sảnh. Chị Giang đưa ra yêu cầu nâng toàn bộ hệ thống nhà lên cao 1m2 nhằm tránh lụt vào mùa mưa bão. Công trình cần có sự tính toán kĩ lưỡng các phần cấu kiện thép khi lắp ghép vào với phần khung bê tông ở tầng 1. Đây là một đặc trưng riêng của đồ án khi hầu hết các công trình nhà ở tại Việt Nam chỉ thi công thuần kết cấu bê tông. Đồng thời việc sử dụng thép và gỗ làm cho công trình trở nên thanh mảnh, nhẹ nhàng hơn, tránh sự thô cứng thường thấy trong các khối nhà ở của Việt Nam.
Tuy là công trình nhỏ những các chi tiết đều được chú trọng xử lý gọn gàng để đảm bảo mĩ thuật và kiến trúc của công trình. Ngoài ra hình thức công trình cũng đã đạt được ý đồ mà chủ nhà gửi gắm đến đơn vị thiết kế thi công.
Trên trang cá nhân, chị Jang Kều đã chia sẻ về ngôi nhà của mình: ” Một ngôi nhà nhỏ nhất trong một ngôi làng nhỏ ven sông ở Hội An dành cho những người yêu thiên nhiên và những giá trị văn hoá truyền thống. Nhà có những phòng ngủ nhỏ xíu, tối giản với phản gỗ trệt, gió và ánh sáng. Ngôi nhà ấy mang nét truyền thống Hội An nhưng phải mang hơi thở đương đại, ứng dụng sự đơn giản, ít rườm rà, thanh tĩnh, và tạo khoảng trống tối đa… Mong sẽ trồng được nhiều cây, nghe được nhiều tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc, tiếng nước vỗ bờ khi có những con thuyền nhỏ đi ngang qua dòng sông…”.
Công trình được khởi công xây dựng khi cả nước đang đối mặt với 2 đợt dịch Covid, ngoài ra thời điểm này cũng là thời điểm 2 cơn bão lớn số 9 và số 10 đổ bộ vào miền Trung nên quá trình thi công phải tạm hoãn nhiều lần khiến cho việc đảm bảo tiến độ và việc xử lý ứng biến với khí hậu rất vất vả. May mắn, các kế hoạch sau đó vẫn được đảm bảo để công trình đi được đến đích cuối cùng và đạt được kết quả như mong đợi.
Anh Vinh Trung Nguyễn, phụ trách thi công nhà chia sẻ: ” Việt Nam là một đất nước nhiệt đới nóng ẩm, thiết kế công trình nhà ở nên thiết kế thoáng mát để đón gió, các hình thức kiến trúc truyền thống của ông cha ta như mái hiên rộng che nắng mưa, nhà nằm trên cao tránh lũ đều được tái hiện trong công trình này và được đón nhận rất nhiệt tình. Do vậy, chúng ta nên phát huy những giá trị của kiến trúc truyền thống nhưng ứng xử trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay nhằm mang lại nét riêng biệt cho kiến trúc của Việt Nam đồng thời phù hợp với lối sống sinh hoạt của dân Việt Nam”.
Vinh Trung Nguyễn | Báo Giải Trí Việt | 09/09/2021 | 06:19
Comments