Từ nhỏ tôi đã kiếm được tiền và rất hào hứng với việc kiếm tiền. Tuy nhiên, cái tôi hào hứng hơn đó là việc sử dụng đồng tiền ấy như thế nào. Tôi thường dùng tiền để mua quà tặng bạn, vì vậy, bạn bè thường biết đến JK là đứa rất hay “bao” bạn bè ăn chơi. Đến nỗi có chuyện, có một cô bạn hẹn đi chơi với tôi, để quên ví, đứng dưới sân gọi cho con trai bảo mang ví xuống cho mẹ. Nó trả lời: “Con tưởng mẹ đi chơi với cô Jang Kều cơ mà, đi với cô Jang thì mẹ đâu phải trả tiền đâu!”. Cô bạn đến kể cho bọn tôi nghe, cả hội đều cười ngặt nghẽo.
Lúc bé là mua kem, bánh quế kẹp nha, ô mai, kẹo dồi, kẹo dừa… cho bạn. Có lúc tôi vất vả kiếm tiền để mua tặng bạn 1 chiếc khăn quàng đỏ vì bạn nói nhà bạn nghèo không có tiền mua. Tôi cũng đã trốn bố mẹ ra ga bán nước và bánh mì hộ mấy anh chị em nhà hàng xóm vì thương các bạn phải làm vất vả. Có lúc còn lên tàu bán cùng. Tất nhiên, tôi bao giờ cũng giấu bố mẹ những việc như vậy. Tôi làm việc đó còn với mong muốn là mấy anh em nhà hàng xóm ấy có thể bán hết hàng nhanh, đạt đủ “KPI” bố mẹ giao cho, để về tắm rửa, còn tham gia diễn kịch và cải lương với mấy đứa trẻ trong xóm chúng tôi nữa.
Cơ bản là tôi thích dùng tiền để ăn chơi và giúp đỡ bạn bè. Chả thế mà hồi xưa tôi chuyên đi đánh bóng bàn “thuê” trong các giải, trở thành “gà” của nhiều “xới” và lấy tiền thưởng hoặc tiền công đánh thuê đi bao bạn bè ở Chuyên Ngữ ăn sữa chua đá (siêu cứng), uống sấu đá, ngồi quán nước ăn cóc, khoai luộc cho ra oai, giống các anh chị Đại Học SPNN lúc bấy giờ.
Lên ĐH tôi đi dạy Tin học cho người nước ngoài, được những 5$/ 1 tiếng, tương đương với 70.000 đồng. Cao hơn các bạn bè đi dạy cho người Việt chỉ được 20.000 đồng/ 2 tiếng. Và mỗi lần dạy xong, đã có đám bạn 4-5 đứa ở ngồi chờ dưới sảnh (hồi đó tôi dạy ở Hà Nội Tower). Rồi tôi lấy tiền đưa cả lũ đi xem Fansland 12.000 đồng/vé và ăn bỏng ngô.
Hồi đi học Thạc sỹ, tôi ở cùng một bạn roommate người Myanmar nhà rất nghèo. Chúng tôi đều có học bổng có thể tiêu xài thoải mái, còn được phát tiền mỗi kỳ 200.000 won để mua sách nữa. Nhưng thấy bạn kia tiết kiệm từng đồng để gửi về nhà. Tôi bảo bạn thôi mỗi tháng gửi hết toàn bộ số học bổng về đi, tôi sẽ trả tiền mua mọi đồ ăn, lương thực, thực phẩm cho cả 2, dù bạn nấu ăn riêng hay có lúc nấu đồ Việt để cả 2 ăn chung. Tất nhiên là tôi phải “chổng mông” lên làm thêm. Tôi mở một công ty online chuyên buôn bu lông, ốc vít, mua từ Hàn, bán sang Mỹ và Canada và đi dịch cho các hội thảo hoặc các buổi làm việc của các nhóm kinh doanh từ Việt Nam sang buôn vải.
Nên đúng là tôi rất vui vẻ với việc kiếm tiền, thậm chí thấy thú vị, vì khi ấy tôi được “chơi với những ý tưởng”, chỉ là tôi không bao giờ buôn bất động sản hay chứng khoán thôi. Tôi thật sự không có niềm tin với những “món” đó. Nhưng tôi luôn thích việc dùng tiền như một trong những công cụ để tôi được giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè và những người khó khăn hơn. Và việc tôi bỏ học bổng về Phát triển Cộng đồng để đi học về Kinh doanh & Tài chính ở Hàn Quốc cũng chỉ là muốn kiếm tiền, tự chủ động để có thể làm được những việc phát triển cộng đồng, phát triển xã hội mà mình muốn, theo cách của mình. Và như vậy mình ít nhất là không nhận lương từ công việc đó, sau đó là trở thành một trong những nhà tài trợ và bảo trợ chính cho tổ chức của mình.
Sau 10 năm làm Sống, tôi quyết định chuyển sang một hướng mới cho việc phát triển cộng đồng của mình, đó là tập trung vào phát triển Con Người. Với ước mong đó, tôi khuyến khích và thúc đẩy những người có tiềm năng xây dựng dự án, hay DNXH để thực hiện ước mơ của mình. Và như vậy, sẽ có nhiều nhóm NCL, nhóm HPX, nhiều nhóm về giáo dục, môi trường, văn hoá… sẽ mọc lên.
Năm ngoái, tôi tặng “hạt giống” cho vài nhóm, mỗi nhóm từ 50 đến 100 triệu, để họ thành lập DNXH cung cấp những dịch vụ hữu ích cho con người và môi trường. Và thật sự rất hay là tôi đã đúc rút được những quan sát thú vị về thái độ với đồng tiền của họ. Hữu ích hơn là tôi đã nhìn thấy mối quan hệ tương quan giữa thái độ ứng xử với tinh thần, triển vọng và tính bền vững của mỗi DN.
DNXH số 1, sau mấy tháng hoạt động, tôi hỏi: ”Tiền chị tặng làm vốn đã tiêu hết chưa?”. Thì trời ơi, team chân thành, thật thà và mộc mạc đến nỗi, trả lời: “Tụi em đã dám tiêu đâu, gửi toàn bộ số tiền chị tặng vào ngân hàng. Tụi em đã làm được gì nhiều đâu mà dám tiêu!!! Khi nào tạo được ra cái gì cho cộng đồng rõ nét, tụi em mới dùng đến chị ơi!”. Và các bạn rất cẩn trọng, đề nghị tôi hỗ trợ xem mô hình, chiến lược, kế hoạch, kết nối…
DNXH số 2, tôi cũng hỏi câu tương tự sau vài tháng, và bạn Giám đốc trả lời: “Ui hết từ lâu rồi. Bọn em đang thiếu, không có tiền trả cho anh em đây. Chị xem giúp bọn em không có thì anh em chết đói!”. Và các bạn cứ thế say sưa làm. Dù có nhiều lần tôi tự đề nghị sẽ tư vấn nếu các bạn cần về chiến lược hay mô hình. Nhưng các bạn quá tự tin, không cần để ý tới đề nghị đó của tôi. “Cũng tốt, vì có nghĩa là họ sẽ chủ động và phát triển nhanh đây”, tôi tự nhủ!
DNXH số 3, cũng với câu hỏi tương tự, bạn phụ trách trả lời: “Chị ơi, em nhận của chị nhưng cho em được trả lại sau 1 năm nhé. Em mới chỉ dùng một phần mua trang thiết bị trước, để đi vào hoạt động ổn ổn hơn xem thế nào em mới đầu tư thêm”. Tôi bảo: “Em cứ sử dụng hết. Chị tặng em vì ý tưởng đẹp đẽ của em mà. Nếu thiếu cứ nhắn cho chị, chị sẽ gửi thêm!”. Và tôi không quên kết nối cho bạn với một chuyên gia về DNXH và một chuyên gia về tài chính để bạn có thể học hỏi, xin tư vấn.
Và sau gần 1 năm, đây là thái độ và kết quả:
DNXH số 1 đã bắt đầu những bước vững vàng, dù chậm để xây dựng các dịch vụ của mình và vẫn … còn gần như 100% số tiền tôi tặng trong tài khoản. Tôi và team vẫn đang sát cánh hỗ trợ nhưng cả 2 bên đều rất hào hứng, vui vẻ và tích cực. Xúc động nhất, khi xin tôi tư vấn về các sản phẩm dịch vụ, một trong những founder còn nói: “Bọn em chỉ mong sao có thể tạo ra công ăn việc làm cho cả người khuyết tật nữa. Và bọn em sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận của mình cho cộng đồng!”.
DNXH số 2 sau những ngạo nghễ nhưng rối nùi về quản trị, giao tiếp và đàm phán, thì đã đổ vỡ những hợp tác quan trọng ban đầu mà chính tôi và team đã cố gắng hỗ trợ. Ôm nhiều nhân viên, khó khăn về tài chính, rối ren về truyền thông, và đặc biệt là sự minh bạch. Giờ nghe nói một số nhân viên rất khó khăn, phải đi kiếm công việc khác chỉ vì sự tự cao, vô ơn nhưng thiếu thực lực của người đứng đầu. Tất cả quay ra phản ứng tiêu cực mà không đặt ra cho mình câu hỏi để tìm ra logic, hiểu rõ vì sao, động cơ nào cho những gì mình đang phải đối mặt và đổ lỗi. Và tất nhiên, lúc chuẩn bị thành lập, khi được tư vấn nên làm 100% lợi nhuận trả lại cho cộng đồng để có thể xin miễn thuế thì bạn giám đốc đã từ chối ngay!
DNXH số 3, mới hôm nay thôi, bạn leader nói chuyện với tôi, báo cáo là tình hình rất ổn. DN đã đi vào ổn định và mọi người đều rất hạnh phúc. Tuy nhiên, do tiến triển hơi chậm so với dự kiến ban đầu nên xin lùi thêm vài tháng để trả lại tiền vốn tôi đưa. Tôi bảo là “Chị tặng em mà. Không phải trả lại, hãy dùng tiền đó để làm nó lớn mạnh hơn!”. Nhưng bạn ấy đã nhắn 1 tin mà tôi rơi nước mắt vì xúc động: “Ui, chị Jang huých em cho DN ra đời là tuyệt vời lắm rồi ạ. Chị Jang hãy nhận lại góp vào vòng tròn trao tặng tiếp theo của Sống cho nó luân chuyển ạ!”. Vì bạn cứ tưởng đây là tiền từ Sống theo chương trình River Ơi về Con người Bền vững của chúng tôi. Tôi giải thích lại là đây là tiền riêng của tôi, bạn không phải suy nghĩ đâu. Nhưng vì câu nói này của bạn, tôi sẽ nhận lại số tiền khi bạn có lãi đủ, và để tặng cho một nhóm mới có ý tưởng dự án tác động tốt cho xã hội muốn thành lập DNXH.
Đấy, các bạn thấy không? Thái độ với đồng tiền thật ra không thể che giấu được dù chỉ là qua một vài câu nói. Đồng tiền quan trọng, nhưng không phải mục đích sống của con người. Nó đơn giản chỉ là phương tiện. Nhưng với tôi, và một số đồng đội của mình, chức năng “phương tiện” quan trọng nhất của đồng tiền chính là ĐO LÒNG NGƯỜI! Những ứng xử với đồng tiền chính là NHÂN để mang đến QUẢ là bạn có phải khổ sở, u uất vì tiền, dù bạn thành công hay thất bại (theo nghĩa vật chất nhất)!
Thật ra, tôi đã tặng vốn cho vài nhóm/doanh nghiệp xã hội nữa. Nhưng chỉ xin kể chuyện 3 DN mới nhất này. Đấy, “đầu tư” vào start up DNXH không phải lúc nào cũng màu hồng đâu. Kể cho các bạn thì vui thế này, chứ lúc chứng kiến thái độ và tinh thần của DNXH thứ 2, tôi cũng bị sốc và choáng váng lắm. May mà tôi luôn có những dự án mới, ngày càng ý nghĩa và thú vị hơn, nên tôi đã “hồi phục” được rồi. Và tôi vẫn sẽ tiếp tục “bao” cho các bạn trẻ có những ý tưởng đóng góp cho xã hội trong điều kiện cho phép. Tất nhiên là tôi sẽ có kinh nghiệm hơn để đỡ phải gặp những “ca khó” như DNXH số 2 các bạn nhỉ?
Comments