top of page

Tiêu chuẩn kép & sự chính trực

Có vẻ như việc 100% các báo đồng loạt gỡ bài về việc sập tháp chuông của ga cáp treo đang xây dựng ở Nha Trang hôm qua đã vượt ngưỡng chịu đựng của cộng đồng. Bởi nó thể hiện quá rõ sự ngạo ngược, trịch thượng, gian dối, không chính trực, đàng hoàng của doanh nghiệp đầu tư công trình này. Một ứng xử truyền thông đáng xấu hổ không thể che đậy được khiến cộng đồng bất bình. Lần này không phải là một căn chung cư bị cháy, hay một tai nạn cá nhân trong khu dân cư, hay cái xe ô tô, xe máy, điện thoại bị cháy, hỏng… mà là một tháp chuông cao tới 10m bị sập!!! Chỉ mong rằng không có thiệt hại về người xảy ra dù lúc đầu các báo đăng là đang giờ làm việc, có thợ và máy móc đang vận hành!


Các ý kiến mỉa mai, phản đối chủ yếu xoay quanh chuyện thiếu trung thực, phách lối của doanh nghiệp và việc “tiếp tay” (răm răm “tuân lệnh”) của các báo. Ngoài ra, có một số ý kiến về kiến trúc nghèo nàn, cổ lỗ và xấu xí của công trình này. Thậm chí, có người còn cho rằng công trình thấm đẫm mặc cảm nô lệ và tiêu chuẩn thẩm mĩ lạc hậu, thiếu thốn… nhưng lại mang tính “đặc trưng” cho hệ thống công trình của doanh nghiệp này mọc lên ở khắp những nơi đẹp nhất của đất nước. Có một kiến trúc sư bạn tôi còn nhận định rằng: có lẽ chiếc tháp này không có trong kiến trúc ban đầu của toà nhà, và rằng do một lần ông chủ doanh nghiệp này đi đâu đó hay xem ảnh một nhà thờ ở Châu Âu bèn bắt nhân viên nhét tháp chuông của nhà thờ vào công trình nên móng nó không chịu nổi cái tháp. Nhưng có một chuyên gia kết cấu khác lại tin rằng có thể chiếc tháp đó đã có trong thiết kế từ đầu rồi nhưng chủ đầu tư đã … quên mất rằng công trình đang ở vị trí lấn biển với kết cấu móng rất yếu. Vì vậy, sập tháp chuông là điều tất lẽ dĩ ngẫu và sự sụp đổ sẽ không chỉ dừng lại ở đó!


Tôi thì lại quan tâm nhiều hơn đến hiện tượng tiêu-chuẩn-kép và sự-chính-trực của doanh nghiệp này cũng như hệ thống báo chí và KOLs hiện thời.

Tiêu chuẩn kép (Double standard) là cụm từ dùng để diễn tả cùng một sự vật, sự việc nhưng có nhiều nhận định theo nhiều chiều hướng khác nhau. Tư duy này thường được sử dụng nhằm mục đích hợp lý hóa cho hành vi của bản thân hoặc đối tác/người thân của mình và áp đặt cho các bên còn lại. Hiểu đơn giản thì tiêu chuẩn kép là luôn bỏ sẵn trong túi 2 tiêu chuẩn khác nhau rồi tùy trường hợp mà lựa chọn, dùng cái nào có lợi cho mình. Thẳng thắn thừa nhận thì tiêu chuẩn kép là tính 2 mặt, mập mờ, bao biện; gây ảnh hưởng đến tính công bằng, bình đẳng, thậm chí đạo đức trong quy tắc ứng xử.


Doanh nghiệp luôn rao giảng về lòng yêu nước, về chất lượng, về công nghệ, về tính nhân văn, thậm chí còn tổ chức cả một giải thưởng lớn dành cho các công trình khoa học có ý nghĩa cho con người. Vậy mà khi có vấn đề xảy ra, họ lại “cất” ngay những tiêu chuẩn ấy đi, chỉ dùng sự che đậy, dối trá, lươn lẹo, quyền lực vật chất, thậm chí vũ lực để đáp lại khách hàng, công chúng. Họ “dùng” báo chí để đưa những thông tin như “đám khói” khi có sự việc cháy toà nhà của họ xây, hoặc những tai nạn chết người hay có sự việc không hay xảy ra ở khu dân cư, resort, hay toà nhà thương mại của họ thì không bao giờ được phép nhắc đến tên họ. Rất nhiều trường hợp các khách hàng, nạn nhân, nhà hoạt động xã hội lên tiếng trước sự sai trái của họ thì bị đáp lại bằng sự đe doạ, tấn công, cho người đánh sập facebook hoặc hack vào máy tính của những người đó. Thậm chí, không biết bằng cách nào mà những người ấy còn bị công an gọi lên nhắc nhở, cảnh cáo…


Và báo chí, cũng như các KOLs truyền thông và thậm chí một số “nhà khoa học”, “chuyên gia”, “đại biểu quốc hội”… cũng luôn có bộ tiêu-chuẩn-kép để che đậy, bênh vực, lấp liếm cho họ. Đổi lại, đó là các hợp đồng truyền thông, đó là những căn hộ, xe ô tô được mua với giá rẻ thậm chí tặng không. Những báo, những nhà khoa học, nhà đạo đức học, nhà chuyên gia nổi tiếng thường ngày vẫn tỏ ra ủng hộ cho phát triển bền vững, tấn công các tệ nạn xã hội, nêu các vấn đề về chất lượng sản phẩm - dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng thì đều câm nín khi đứng trước các sự việc của họ, hoặc nguỵ biện xơ sài mà quên mất cả sự tự trọng và xấu hổ!


Chính trực là gì? Là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Thông thường, nó là một sự lựa chọn của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để giữ cho người đó luôn bám chắc vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức. Trong Đạo đức học, Lòng chính trực được nhiều học giả định nghĩa như sự trung thực hay sự hoàn hảo trong cách hành xử của một người. Lòng chính trực cũng có thể được định nghĩa như một sự đối lập với tính Đạo đức giả. Khái niệm “Chính trực” xuất phát từ tiếng Latin là “integer”, nghĩa là “hoàn hảo” hay “trọn vẹn”. Trong cách hiểu này, lòng chính trực là một trạng thái nội tâm “hoàn hảo” bắt nguồn từ những đức tính như sự trung thực và sự bền vững về Đạo đức. Theo điều này, chúng ta có thể đánh giá một người, một doanh nghiệp “có lòng chính trực” theo mức độ người đó, doanh nghiệp đó hành động dựa trên các giá trị, niềm tin và nguyên tắc mà họ tuyên bố.


Chính trực được xem là tiêu chí tối thiểu để đánh giá về Đạo đức, về sự đàng hoàng của một con người, một doanh nghiệp, tổ chức. Vậy người chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp có công trình nhà ga cáp treo với chiếc tháp chuông bị sập kia, cùng với các báo, các KOLs rút bài đã khiến cộng đồng bất bình về sự thiếu đạo đức, gian dối, coi thường khách hàng, coi thường cộng đồng kia đang nghĩ gì? Họ có hiểu rằng họ đang tự không tôn trọng chính mình, coi nhẹ uy tín và danh dự của mình? Liệu họ có tiếp tục làm được như thế mãi không? Tôi đồ rằng sẽ rất khó, với những gì tôi quan sát được qua sự việc này. Cộng đồng, người dân đất nước này đã bị coi thường, bị lừa dối, bị lạm dụng liên tiếp, đặc biệt là qua những vụ việc liên quan đến testkit, vaccine (!), chuyến bay giải cứu mấy năm vừa rồi. Vì vậy, giờ đây, không dễ để họ bỏ qua và chấp nhận mua sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp tiêu-chuẩn-kép, thiếu chính trực và luôn dùng “đội quân” báo chí, KOLs chèn ép họ.


Đã đến lúc, tất cả cùng cần phải nhìn lại để nhận ra sự nguỵ biện, tiêu-chuẩn-kép, sự không đàng hoàng của chính mình, của những kẻ khác, mà biết sửa mình, hay có cách ứng xử phù hợp để bảo vệ mình!


תגובות


bottom of page