top of page

Trận lụt lịch sử đêm qua ở Đà Nẵng

Mức lụt lịch sử đêm qua ở Đà Nẵng, một thành phố đáng sống nhất, cho thấy vấn đề quy hoạch với tình trạng bê tông hoá quá mức ở các đô thị Việt Nam. Rất nhiều ao hồ, công viên đã bị lấn chiếm, biến thành các công trình xây dựng. Dọc ven biển thì bị bao phủ bởi các resort, hotel cũng là những khối bê tông chặn đường thoát nước. Quanh khu vực ao, hồ, sông… cũng dày đặc nhà ống, đường ven sông, ven hồ, ven kênh luôn “được” lát đá, lát gạch kín mít!


Hệ thống thoát nước trên đường hầu hết chỉ tính toán cho thoát nước bề mặt đường chứ không phải thoát lũ khi mưa lớn, trong khi xung quanh toàn các công trình bê tông, nước không thoát được đi đâu chỉ tràn ra đường. Nhà ở thì 4 phía lát gạch, đá xung quanh, không có một khoảng hở cho đất để thẩm thấu bớt nước khi mưa lớn… Người ta đổ lỗi cho mưa lớn nhưng thiên tai chỉ là một nguyên nhân, còn nhân tai thì vô số. Đó là còn chưa kể đến khả năng lũ đầu nguồn tiếp tục đổ về do rừng đã bị phá tan nát để khai thác khoáng sản, xây dựng công trình, các dự án “trồng cây công nghiệp ngắn ngày”, và nghiêm trọng hơn là thuỷ điện xả lũ!


Giờ thì các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Sapa, Tam Đảo, Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn…nơi nơi ngập lụt. Chưa kể tình trạng sụt lún đang ngày càng nghiêm trọng ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây.


Về phía các nhà lãnh đạo, quản lý, cần xem xét và điều chỉnh, sửa chữa lại những sai lầm từ gốc quy hoạch. Những gì có thể điều chỉnh, có thể sửa được, nên sửa, dù cái giá phải trả rất đắt. Một số nơi như Nha Trang, Vũng Tàu, Cửa Lò, Quy Nhơn… chính quyền đã lần lượt tìm cách phá bỏ các công trình xây dựng, trả lại bờ biển cho dân, cũng là một giải pháp cho thoát nước khi mưa lớn.


Còn chúng ta, với gia đình mình, nên chăng giảm bớt nhu cầu sở hữu, nhu cầu nhà to cửa rộng, giảm diện tích xây dựng tới mức tối thiểu. Vừa có diện tích cho vườn, cho cây để giữ nước, thoát nước, vừa giảm lượng phát thải từ công trình bê tông của mình gây ra cho trái đất. Vì đó cũng là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên, và như vậy biến đổi khí hậu thường xuyên xảy ra. Kể cả những hành động đơn giản như giảm lượng rác thải tiêu thụ, và tái sử dụng, tái chế đồ dùng cũng giúp cho mặt đất đỡ phải gánh thêm rác thải, gây ùn tắc, ứ đọng… khiến cho tình trạng ngập lụt càng nặng nề hơn.


Chúng ta thực sự cần gì: sức khoẻ và sự an ổn! Vậy thì có thể giảm tiêu dùng, tiêu thụ năng lượng, giảm nhu cầu sở hữu, chiếm đoạt… được không? Và hạn chế phá hoại thiên nhiên, thay vào đó, phục hồi rừng tự nhiên, trồng nhiều cây hơn và tăng diện tích… thở cho đất!


Đã đến lúc tất cả cùng phải thay đổi!!! Không thì câu chuyện “lũ lụt lịch sử” sẽ liên tục lặp lại, năm nay nặng nề hơn năm trước… Và chúng ta không thể có nguồn lực nào để bù đắp, phục hồi sau những thiệt hại khủng khiếp như thế này!

Ảnh Tp Đà Nẵng đêm qua: trên mạng

Related Posts

See All

Comments


bottom of page